Wednesday, April 25, 2012

CÚN

         NGUYỄN HUY THIỆP

           
I.

         Trong số người quen của tôi, tôi rất nể phục nhà nghiên cứu văn học Z. Anh am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta, lĩnh vực mà thú thực tôi không hiểu gì mấy. Những bài viết của Z. có thời được nhiều người ví như "ngọn roi" quất vào "con ngựa sáng tác văn học" giúp nó phi nhanh hơn và không trật đường.
         Z. đẹp trai, thông minh, đặc biệt nhạy cảm với những cái gì đau đớn, tủi cực. Nhiều lần đi chơi với anh, tôi thấy Z. thường lảng tránh những nơi có người ăn mày hoặc người tàn tật. Trường hợp không lảng tránh được, Z. rất bối rối, tôi thấy mặt anh tái đi, anh dốc hết túi cho người ăn mày hoặc người tàn tật đó.
         Với tôi và các nhà văn trẻ thuộc thế hệ tôi, Z. rất nghiêm khắc. Z. đòi hỏi cao điều mà anh gọi là tính người : tinh thần làm việc, đức hy sinh, lòng tận tụy, chữ "tâm"... và dĩ nhiên cả văn phạm nữa. Sự nghiêm khắc ấy làm cho tình bạn của hai chúng tôi không phải không sóng gió. Tuy nhiên, tôi khâm phục Z.
         Nhiều khi lẩn thẩn, tôi nghĩ rằng phải có một lý do nào thật sâu xa lắm mới rèn lên được một người như Z. Có lần tôi gặng hỏi mãi, Z. tự dưng buột miệng :
- Cha tôi là Cún. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông chỉ có độc một khát vọng thành người, thế mà không được...
         Từ câu nói ấy của Z., tôi viết câu chuyện này...

II.

          Cún biết cái chết sẽ đến với Cún chỉ vài phút nữa. Chân Cún đã lạnh, cái lạnh từ chân cứ thế ngược lên, bao giờ cái lạnh ngấm đến đỉnh đầu là hết, là vĩnh biệt con người, vĩnh biệt cuộc sống...
          Cún há miệng. Khát, khát... Cún thấy cổ họng mình se lại. Cảm giác bị dồn, bị đè bao phủ toàn thân. Cún biết lần này Cún không thể thoát nó. Nó đấy ! Nó thò cái lưỡi vô hình, đen như đêm tối liếm vào đôi mắt Cún rồi...
Hơn chục năm trước, người ta thấy Cún ở một cái cống bên con sông đào ngoại ô thành phố. Con sông đen ngòm nước thải, đầy rác, giấy vụn và những đám bèo Tây lá đầy bụi bặm. Cái cống xi-măng vỡ nằm ngang con đường đất nhỏ, hứng gió cả ở bên phía bờ sông, cả ở bên phía cánh đồng. Cún nằm trong đống tã  rách hôi hám, cả đầu cả chân tím ngắt vì gió. Chẳng hiểu sao Cún không chết ngay khi ấy? Chắc vì lão Hạ. Nếu Cún không gặp lão Hạ, chắc Cún đã chết ngay rồi.
         Lão Hạ là lão ăn mày ở chợ. Hôm ấy, không hiểu sao lão Hạ lần ra cống. Đứng trên đường, lão nghe thấy tiếng khóc. Tiếng khóc như từ dưới đất vọng lên, như từ âm phủ vọng lên. Lão rùng mình hãi sợ. Chiều đang xuống, nắng đã tắt, ráng mây mỡ gà ở phía chân trời hắt xuống mặt đất một vệt ánh sáng lạnh lẽo và kinh dị. Gió bấc đuổi nhau hun hút quanh các lều chợ lụp xụp không một bóng người. Lão Hạ run cầm cập. Quang cảnh này hồn ma rất dễ hiện hồn. Đây là thời khắc xuất hiện ma quỷ. Gần cả đời người, lão Hạ sống nhưng không sợ người, người chỉ làm lão yêu hay lão ghét, thích hoặc không thích, lão Hạ chỉ sợ cái gì không phải là người.
         Lão Hạ sợ quá, bủn rủn hết cả chân tay. Tiếng khóc ngằn ngặt đúng là có thật. Lão giỏng tai nghe. Đúng là tiếng khóc trẻ con.
         Lão Hạ cuống cuồng chạy xuống vệ sông. Lão vừa chạy vừa ngã. Tiếng khóc níu lão lại. Lão nhìn bên đường và nhận ra đứa bé nằm ở trong cống. Lão Hạ dần dần hoàn hồn. Hóa ra chẳng có quỷ ma nào cả ! Hú hồn hú vía ! Ma quỷ đã bỏ mất một cơ hội để rình chộp lão !
         Lão Hạ bò về phía cống, thò tay kéo đứa bé ra. Chân tay đứa bé lạnh buốt.
         Lão Hạ ôm đứa bé về lều chợ. Lão đặt tên nó là Cún. Cún là tên chó không phải tên người. Đứa bé này thật cũng không phải là người, nó kỳ hình dị dạng, đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương, chỉ hơi lệch trọng tâm là người nó ngã kềnh ra đất. Điều kỳ lạ là Cún có khuôn mặt đẹp lạ lùng.
Cún ở cùng lão Hạ. Cún không chết bởi nó có hai khả năng kỳ quặc. Một là đôi mắt, đôi mắt của nó làm cho tất cả mọi người xung quanh đều sợ hãi. Họ đi qua Cún mà không bỏ một đồng hào vào cái nón rách thì không an lòng. Ánh mắt Cún ám ảnh họ, hành hạ họ suốt đêm ngày. Khả năng thứ hai của Cún là khả năng chịu đựng tuyệt vời : nó chịu được đói, được rét, nó sống trơ trơ như thân thể nó được tạo bằng thứ nguyên liệu siêu phàm.
         Lão Hạ đâm quý thằng bé tàn tật. Có nó, lão kiếm tiền được dễ dàng hơn. Lão mang thằng bé đi khắp đó đây kiếm ăn. Chỉ trong một hội Phủ Giày, lão kiếm được bằng mấy năm lão đi ăn xin một mình. Cách làm của lão thật đơn giản. Lão cứ đặt Cún nằm ngửa một chỗ với cái nón mê giữa đám đông người. Thế là xong chuyện. Cún sẽ cựa quậy và mắt nó sẽ làm việc, mắt nó sẽ hỏi mọi người :
Này ông, này bà ! Ông bà là người, hãy nghĩ đến tôi là kẻ chưa được thành người...
      Lão Hạ nấp ở đâu đấy, khi thấy nón đã khá tiền thì ra thu về. Thỉnh thoảng lão đút cho Cún mấy miếng bánh đúc ngô tựa như người ta đút cho những con gà mang bán ở chợ.
Lão Hạ coi Cún như con. Tuy nhiên, lão cũng chẳng quan tâm nhiều lắm đến thằng bé. Lão có bao nhiêu việc phải làm. Con người của nghề nghiệp khác có bao nhiêu việc ở đời thì việc của lão ăn mày cũng nhiều như thế. Ở trong thế giới ăn mày, thân phận một đứa bé con què quặt chẳng đáng kể gì. Lão Hạ chẳng hề áy náy vì những lần để Cún đói lả, run người trong những trận sốt mê man để đi uống rượu hay đi đánh bạc. Bản thân lão cũng đã bao lần bị đói, bị ốm, bị rét như thế. Trong thế giới ăn mày, người ta có thể sử dụng một đứa bé con trong vài ba tháng để làm cớ ăn xin. Khi đứa bé chết, người ta vứt nó ra ngoài đống rác như vứt một thứ vật hỏng bình thường, như cái rổ, cái rế... Việc kiếm ra một đứa bé không khó. Chỉ cần vài ba đồng bạc, một sái thuốc phiện, một bộ quần áo cũ là xong. Đời còn đói rét. Đói rét bất chấp tất cả, cả đạo lý, cả tình người.
        Cún lớn dần lên, Cún dần ý thức được thân phận mình, buộc phải ý thức về hoàn cảnh mình.
        Năm ấy, bấy giờ đang có chiến tranh, nhiều người chết đói. Trời rất lạnh. Cún và lão Hạ nằm cuộn mình trong hai cái bao tải ở một hiên nhà cách chợ Mới ngoại ô thành phố chừng trăm mét. Lão Hạ ho dồn. Lão yếu lắm, đã mấy ngày nay lão không dậy được, thỉnh thoảng lại ho ra máu.
Cún này, mày đã lớn rồi... Tao sắp chết rồi... Mày sắp mất tao, mất chỗ dựa rồi... - Lão Hạ thều thào bảo Cún - Thực ra tao cũng chẳng phải chỗ dựa của mày. Cả tao và mày cùng sống... Sống như con giun, con dế, như con ong, cái kiến... - Lão ho sù sụ rồi khóc - Con người sống khác... Trời ơi, sao trời hành hạ chúng con như thế ? Chúng con muốn sống như mọi người thôi mà sống không được...
       Cún lắng tai nghe. Cún mặc kệ lão Hạ nức nở rền rẫm một mình. Cún chẳng nói gì. Cún quen với cảnh này rồi. Cún lấy tay co cái bao tải rách che bụng. Cún thở dài... Cún mệt mỏi rã rời. Hơn chục năm nay, Cún đi ăn mày, Cún cũng chẳng lạ gì cuộc sống con người...
                Ăn mày là ai, ăn mày là ta...
                Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày...
         Cuộc sống con người đầy bất trắc và vô nghĩa, họ sống cũng như Cún, như lão Hạ, như con giun, con dế, như con ong, cái kiến... Cún chỉ đau đớn vì Cún khuyết tật. Cún chưa phải là người, cái gì mọi người làm được thì Cún đều thấy khó quá. Càng lớn, Cún càng thấy việc Cún đứng vững ở trên mặt đất thực chẳng dễ gì. Cún cứ lẩy bẩy, cứ đi ba bước là lệch trọng tâm, cứ thế ngã quay ra đất. Hai chân hai tay của Cún không tuân theo được ý mình.
Gần đây, Cún tự dưng lo sợ, lo sợ một cái gì đấy vô hình. Cũng chẳng hiểu sao Cún lại hay nhớ, hay mơ đến Diệu, cô chủ nhà mà Cún và lão Hạ nằm ở hiên này. Cô Diệu bán hàng ở chợ, người lúc nào cũng thơm nức nước hoa, băng phiến. Cô Diệu có đôi mắt nhỏ và hai cánh mũi mỏng dính phập phồng. Tính cô hay đùa, hay cười. Cô hay gọi Cún là "Thằng hình nhân mặt đẹp".
Này "Thằng hình nhân mặt đẹp" ! Cho mày một hào, sáng mai mày ra đón cửa cho tao. Mày như ngôi sao Hóa Lộc ở cái nhà này. Hôm nào đi chợ gặp mày là người thiên hạ xô vào mua bán như tranh như cướp...
Cún cười bẽn lẽn. Cún cúi xuống nhặt đồng hào nhưng lại chúi người ngã quay ra đất. Đồng hào cách bàn tay Cún ba hàng gạch. Cún nhổm dậy lấy một đầu gối làm trụ để giữ trọng tâm, Cún giơ tay với nhưng không giữ được thăng bằng, lại ngã nghiêng người sang phải. Đồng hào còn cách Cún một hàng gạch nữa. Cô Diệu cười như nắc nẻ trên bậc thềm nhà :
Cái thằng hình nhân mặt đẹp này ngộ quá chừng... ! Cố lên ! Cố lên lần nữa xem nào !
Cún thích chí cười. Trời ơi, Cún đã làm cho cô Diệu thích. Cún thấy sung sướng. Cún nhổm dậy, cố gập hai đầu gối. Được rồi... Thế, thế... Chỉ cố thêm một tí nữa và nghiêng người sang trái là chạm được vào đồng hào. Cún thở hổn hển, mồ hôi toát ra. Cún ước lượng. Cún cười. Đúng lúc Cún bật nghiêng người lên thì Diệu nhảy thụp xuống nhặt đồng hào để nhích sang một hàng gạch bên cạnh. Diệu ré lên cười. Cún bị mất đà ngã xuống nền gạch. Cún đập trán xuống nền gạch, máu trong miệng Cún trào ra nhưng Cún mặc kệ. Cún hít vội vàng cái mùi đàn bà quyến rũ. Chưa bao giờ Diệu lại ở gần Cún như thế.
         Cún cười sằng sặc. Nếu Cún biết hát thì Cún sẽ hát...
        Lão Hạ ngồi yên trong góc tường vỡ thương hại nhìn Cún. Lão nhổm dậy chậm chạp đến chỗ đồng hào, lão lẳng lặng nhặt đồng hào cho vào túi mình.
Thằng già khốn nạn ! - Diệu bặt nụ cười, môi mím lại đanh đá - Đồng hào không phải cho mày đâu đấy ! Rồi lại đi nướng vào rượu cho xem.
Lão Hạ đứng im ủ rũ như người có lỗi, vai lão so lại như chờ người đánh. Diệu đi khuất vào nhà, lão Hạ mới ngồi hụp xuống lau máu cho Cún rồi xốc nách Cún dìu về phía chợ...
Cô Diệu ấy len vào đời Cún dần từng ngày một. Cún cứ miên man suy nghĩ. Cún hình dung thấy cô Diệu đi lại, nói cười. Cún chẳng để ý gì đến những tiếng kêu ú ớ nghẹn ngào của lão Hạ nằm bên cạnh. Mãi sau, lão Hạ hộc lên, những ngón tay sần sùi của lão bấu vào mặt Cún rất đau, Cún mới bừng tỉnh. Cún mở mắt ra. Cún giật mình thấy mặt lão Hạ biến dạng hẳn đi, mặt lão trắng bệch như sáp, nhân trung lệch sang một bên. Từ miệng lão, máu đen trào ra ồng ộc. Lão cố ú ớ nói gì đó. Bàn tay lão cố ấn vào tay Cún một cái túi con nằng nặng. Cún bò nhổm dậy. Cún đã hiểu ra sự việc : cái chết đang hiện ra bằng xương, bằng thịt ở trước mặt Cún. Nó đấy. Nó nấp trong tròng mắt sâu hoắm và không thần sắc của lão Hạ đây. Cún khóc nức nở, thế là Cún đã mất đi một chỗ dựa rồi, chỗ dựa để Cún khỏi lệch trọng tâm ở trên mặt đất mà chính Cún cũng chỉ hiểu rất lờ mờ...
 Sau cái chết của lão Hạ, số phận Cún cũng chẳng đổi thay mấy. Vẫn đói và rét. Trong cái mùa đông khủng khiếp năm ấy, Diệu đi lấy chồng. Chồng Diệu là một gã trai đưa hàng. Gã có đôi mắt khô ráo hoảnh. Mắt gã chẳng hề xúc động một điều gì. Cún theo dõi từng ngày cuộc sống của người con gái. Cún linh cảm thấy rồi cô sẽ chẳng được sung sướng gì.
        Linh cảm không đánh lừa Cún. Ba tháng sau ngày cưới, gã chồng cô Diệu cuỗm sạch tài sản của vợ mới cưới trốn đi Nam Bộ với cô tình nhân mới. Cô Diệu như kẻ hóa rồ. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin mà cô mất hết. Cô ốm đến hơn tháng trời, có lúc cô định tự vẫn.
        Ngày cô Diệu khỏi ốm, bắt đầu ăn giả bữa được là một ngày hè nắng dịu dàng. Cô ngồi trong buồng trông ra ngoài phố. Nắng lung linh trên vòm lá bàng, cả vòm lá sấu và vòm lá đinh lăng nữa. Nhà cô đi vắng hết, chỉ có tiếng mọt nghiến gỗ gai gai cả người kêu ở góc chiếc tủ hàng rỗng không. Cô Diệu nhớ chợ, nhớ cửa hàng xén của mình. Liệu đến bao giờ cô mới có được cửa hàng như thế ?
        Cô Diệu buồn bã trông ra ngoài phố. Cô chợt thấy Cún ngồi ngay thềm cửa nhà mình. Cún đang đưa tay thu thu cái gì trong túi. Cô quỳ xuống ngó ra cửa sổ, Cún đang giở bọc vải lão Hạ cho Cún, cái bọc vải gụ, khâu chỉ đen, bé xíu như cái mề gà. Cô Diệu bỗng giật thót mình vì thấy trong lòng tay Cún lóng lánh mấy chiếc nhẫn vàng. Cô thấy lạnh toát sống lưng. Chân tay cô run bần bật. Một ý nghĩ bất chợt chớp trong óc cô.
Này "Thằng hình nhân mặt đẹp" ! - Cô vội hé cửa ngồi thụp bên Cún - Mày có cái gì trong tay mày đấy ?
Cún ngẩng mặt lên, Cún xòe tay ra rồi nói bằng giọng khoe khoang hồn nhiên như đứa trẻ dại :
Nhẫn đấy ! Đây là nhẫn vàng lão Hạ cho Cún...
Vàng thật hay là vàng giả ?
Cô Diệu chộp lấy tay Cún, trong tay cô có ba chiếc nhẫn, mỗi chiếc dễ đến hai đồng cân vàng.
Để tao xem thử nào !
Cô Diệu cầm từng chiếc nhẫn và khẽ để rơi trên nền đá. Cô lắng tai nghe. Cô soi ra ánh sáng. Cô cho vào miệng cắn. Cô xuýt xoa rên rỉ: “Trời ơi, vàng thật đây rồi... Cả một gia tài đấy nhé... Cái "thằng hình nhân mặt đẹp" này thật là giàu...”.
Cô tái mặt đi, cô cười, cô đấm thùm thụp vào người của Cún.
Thực vàng chẳng phải thau đâu...
                 Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng...
Thằng chó con này ! Sao đến bây giờ tao mới biết mày?
Cô Diệu hổn hển :
Vào đây... vào đây... Cái thằng chó con giàu có...
Cô Diệu khép cánh cửa lại, ấn người Cún xuống ghế. Cô lồng nhẫn vào ngón tay rồi chắp hai tay ra phía đằng sau. Cô đứng sát trước mặt Cún, người hơi ưỡn ra phía trước như một cây cung...
Thế nào ? Tao mặc cả nhé ! - Cô Diệu vừa nói vừa cười, ý nghĩ của cô rạch nhanh như những tia chớp trong đầu - Mày hãy cho tao ba cái nhẫn này, mày không có nó cũng không sao... Mày vẫn là đứa ăn mày... Thế nào ? Có đồng ý không ? Mày muốn gì tao cũng nghe mày...
Cún gật đầu, hai khóe mắt Cún đầy lệ. Cún chỉ thấy sung sướng. Cún đã làm cho cô Diệu thích. Cô Diệu đã bình phục. Cô Diệu đã khỏe rồi. Cún như mê ngủ. Như người trong mộng.
Thế nào ? - Cô Diệu cúi người cọ trán của cô vào trán của Cún - Làm gì mà thần mặt ra thế ? - Cô cười sằng sặc - Nói đi... Bây giờ mày muốn cái gì ?
Cún đưa tay lên, Cún không chủ động được những sợi gân chằng ở trong cánh tay, cánh tay Cún vẽ một cử chỉ vu vơ trong khoảng không.
Hiểu rồi... Tao hiểu rồi - Cô Diệu ngồi xuống bên Cún vuốt ve - Mày cũng là thằng khốn kiếp lắm kia ! Được đấy... Thế là phải giá...
Cô Diệu kéo Cún vật ra giường. Cún hoảng sợ. Cún nhắm mắt lại... Cún như người đang bay trên mây... Cún cảm thấy bao nỗi buồn trĩu nặng của cuộc đời Cún bỗng dưng được trút hết cả đi, khuây khỏa lạ lùng.
       Cuối cùng, Cún không hiểu Cún đã ngồi ở vỉa hè từ khi nào nữa.
-Thế là chẳng có nợ nần gì nhé !
       Cún nghe thấy tiếng nói của cô Diệu đâu đó và Cún hiểu rằng Cún vừa trải qua một điều gì đấy thật ghê gớm, thật to lớn. Cảm giác trống rỗng nhưng sung sướng tuyệt trần choán ngợp trong lòng.
       Cún không hiểu rằng đây là cơ hội duy nhất trong cuộc đời khốn nạn của Cún có cảm giác này. Cơ hội đó, oái oăm thay, để chín tháng sau cho Cún một đứa con trai...
       Chín tháng sau cái ngày hè ấy, cô Diệu sinh con trai. Từ mấy tháng trước, cô đã báo cho Cún biết tin này :
Này "thằng hình nhân mặt đẹp"... Mày sắp có con rồi đấy ! Tao cũng không ngờ có chuyện quái quỷ thế này !
      Cún mừng rỡ. Cún như một người điên dại. Cún không ăn không uống, người chỉ còn da bọc xương. Trời ơi, Cún sẽ có con ! Một kẻ chưa được thành người lại sẽ có con. Cún đã hình dung về nó thật rõ ràng. Nó đi mạnh mẽ ở trên mặt đất, nó  không bao giờ lệch trọng tâm, nó vừa đi vừa mỉm cười, xung quanh nó là một vầng ánh sáng đủ màu.
       Cún sống trong trạng thái bất yên mấy tháng trời trong khi cô Diệu mang thai. Cún ốm nặng. Cún chỉ sợ nhất cái chết ập đến bất ngờ khi Cún chưa biết đứa con thế nào. Cún thỏa thuận với cái chết, Cún cầu xin nó từng ngày. Cái chết đồng ý cho Cún chờ đến cái phút con Cún ra đời, nó sẽ thay thế Cún chạy tiếp chặng đường đi trên mặt đất.
       Đúng đêm cô Diệu đẻ, Cún bò lết từ lều chợ đến cửa sổ nhà cô. Trời mưa phùn, cái lạnh thấm vào người làm Cún tê buốt. Đầu Cún nóng bừng, thỉnh thoảng Cún lại ngất đi mê man. Chỉ hơn trăm mét mà Cún thấy xa xôi quá. Cún cố gắng giành giật từng mét đường đi cùng với cái chết. Nó đấy. Nó đen như là đêm tối kia rồi. Cún cứ nhích lên là nó lại kéo Cún ngã dúi xuống bùn.
        Cún vừa lết đi vừa rên, máu từ trong tai ri rỉ chảy ra.  Cún đến được hiên nhà bên cái cửa sổ sáng đèn thì ngất xỉu. Khi tỉnh lại, Cún có cảm giác như bị một vật gì mông mênh đè nặng lên người.
        Cún há miệng ra... Khát, khát. Cún thấy khát khô cổ họng. Cả đời ăn mày nhọc nhằn của Cún cũng chưa bao giờ bị khát thế này. Cún cố nín thở để giữ sức lực. Cún chờ tín hiệu của đứa con mình. Cún cứ hết mê lại tỉnh. Mãi đến nửa đêm Cún bỗng giật mình vì những tiếng kêu rối rít trong nhà. Có tiếng oa oa của trẻ sơ sinh... Tiếng khóc con trai. Cún biết nó đấy, đứa con mà Cún chờ đợi nay đã ra đời.
        Cún cười sung sướng rồi lịm người đi. Có một làn gió rất chi mơ hồ lướt trên khuôn mặt bất động của Cún.
        Cún đã chết. Cuộc đời thật ngắn ngủi, cuộc đời của kẻ chưa được thành người. Đấy là mùa đông năm 1944.


III

       Sau khi viết xong chuyện Cún, tôi mang đến đọc cho nhà nghiên cứu văn học, giáo sư tiến sĩ  Z. nghe. Mặt anh tái đi theo diễn biến câu chuyện.
Không phải thế ! - Z giằng lấy tập bản thảo ở trên tay tôi - Cậu viết những điều bịa đặt ! Cần phải tôn trọng hiện thực. Hiện thực khác lắm ! Cậu biết cha tôi như thế nào không ?
Z. lục lọi đâu đó ở trong tủ sách và anh lấy ra một tấm ảnh màu. Anh cười khe khẽ, hơi ngân nga nữa, bàn tay mềm mại chạm vào giữa huyệt Du Chì ở khuỷu tay tôi :
Cha tôi là Cún nhưng không phải thế ! Hiểu không ? Ảnh của ông cụ đây này !
Trong ảnh, một khuôn mặt đàn ông to béo mặc áo the đen, cổ hồ cứng, có hàng ria đen xén gọn nhìn tôi mỉm cười.

                                                          nguyễn huy thiệp



 PHẢN  KHÁNG NHU KHÔNG PHẢN KHÁNG

 ĐỖ THÁI NHIÊN

Phản phục là qui luật nêu bật tính tương phản trong tất cả vận động và phát triển của vạn vật : trong dương có âm, trong phúc có họa, trong xác định có phủ định, trong hoan hô có đả đảo, và ngược lại... Từ đó luật phản phục lưu ý mọi người : muốn có nhận thức tròn đầy và sinh động đối với một vấn đề xã hội, người ta phải vừa cầm nắm nội dung đích thực của vấn đề đó, vừa tìm hiểu xem thế nào là lực phản phục nằm bên trong vấn đề được chọn làm đối tượng của nhận thức. Thế nên trình bày về những nhìn và những nghĩ của người Việt hải ngoại đối với phong trào văn chương phản kháng trong nước phải là sự trình bày hai dòng suy nghĩ đối lập : bên này khen, bên kia chê; bên này xác định và suy tôn, bên kia phủ định và hạ bệ. Căn cứ vào phương pháp trình bày vừa nói và đứng trước hàng loạt văn liệu viết từ hải ngoại, viết về văn chương phản kháng, viết khen lẫn viết chê, người cầm bút xin lược trình với bạn đọc các luận cứ có tính cách căn bản nhất của quan điểm phủ định văn chương phản kháng. Kế đến, người cầm bút lại xin phản ánh một số suy nghĩ của những người tôn vinh văn chương phản kháng nhằm trả lời các luận cứ phủ định phong trào văn chương này.

        Ý kiến phủ định văn chương phản kháng được viết ra trong nhiều bài viết khác nhau : bài này đặt nặng vấn đề chính trị, bài kia xem trọng vấn đề kinh tế, v.v... Tuy nhiên nhìn một cách chung nhất, người ta thấy quan điểm của các tác giả phủ định văn chương phản kháng đã được xây dựng trên sáu luận điểm :
-Rằng văn chương phản kháng chỉ là loại văn chương "chống chế độ từ đầu gối trở xuống". Những nhà văn phản kháng chỉ là những văn nô, họ có nhiệm vụ gây cho người đọc ảo tưởng là: văn nghệ sĩ tại quốc nội hiện đã thực sự được "cởi trói".
-Rằng văn chương phản kháng chỉ là "phản kháng vờ", nhà văn gọi là phản kháng không hề bị bách hại, vẫn tiếp tục ăn lương nhà nước.
-Rằng văn chương phản kháng chỉ là loại văn chương "được phép". Nếu nhìn nhận có văn chương phản kháng tại quốc nội, tức là gián tiếp nhìn nhận chế độ Cộng sản Việt Nam nay đã tôn trọng tự do tư tưởng.
-Rằng có tác giả trước đây đã viết tác phẩm thóa mạ quân nhân của quân đội cũ, nay có mặt trong văn chương phản kháng. Tác giả này không đáng được tôn vinh.
-Rằng văn chương phản kháng có thể đã phản kháng một vài tệ đoan xã hội, nhưng vẫn tôn thờ chủ nghĩa Marx. Điều này, đứng trên lập trường dân tộc, không thể chấp nhận được.
-Rằng phổ biến sáng tác phẩm của Cộng Sản dầu dưới "cái dù" văn chương phản kháng, vẫn là thái độ bôi bỏ ranh giới Quốc Cộng. Thái độ này hiển nhiên gây nguy hại cho công cuộc đấu tranh quang phục quê hương.
Ghi nhận sáu luận điểm phủ định văn chương phản kháng như đã trình bày ở trên, những người xác định và tôn vinh văn chương phản kháng có những suy nghĩ kể sau :

SUY NGHĨ THỨ NHẤT: Phải chăng văn chương phản kháng chỉ là loại văn chương "chống chế độ từ đầu gối trở xuống" ?
Thưa rằng : Phàm là người Việt Nam, nhất là người Việt Nam đã thực sự sống dưới guồng máy cai trị hà khắc của Cộng sản Việt Nam, không người nào không nhận biết : người Cộng sản Việt Nam bao giờ cũng hoạt động chính trị theo phương châm "cứu cánh biện minh phương tiện". Vận dụng phương châm vừa kể, người Cộng sản sẵn sàng thực hiện bất cứ hành vi nào, miễn là hành vi đó giúp họ đạt đến các mục tiêu mà họ cho là cần thiết. Tuy nhiên, có ba đối tượng mà người Cộng sản không bao giờ dám mang vào thế giới giả vờ của họ :
-Cộng sản Việt Nam không bao giờ giả vờ châm biếm uy tín của "Bác Hồ".
-Cộng sản Việt Nam không bao giờ giả vờ đặt vấn đề sai lầm của chủ nghĩa Marx.
-Cộng sản Việt Nam không bao giờ giả vờ chỉ trích quyền lãnh đạo tự phong của Đảng.
Nếu Cộng sản Việt Nam phạm vào một trong ba cái "không bao giờ" nêu trên, tức là họ đã tự sát. Nói rõ hơn, nếu hình dung quyền lực của đảng như đầu, mình và tay chân của một người thì chắc chắn "Bác", Marx và Quyền lãnh đạo của Đảng không thể nằm "từ đầu gối trở xuống", chúng phải nằm từ cổ trở lên. Điều này cho thấy rằng : "Bác", Marx và Đảng hiển nhiên là ba tiêu chuẩn giúp người ta xác định tính thật giả của hành vi phản kháng.
        Văn chương phản kháng đã nói gì về "Bác", Marx và Đảng ? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Nhật Tiến trong bài "Về dòng văn chương phản kháng" đã viết :
      "Năm 1987, tôi được xem lần đầu tiên cuốn phim tài liệu "Chuyện Tử Tế" của đạo diễn Trần văn Thủy. Trong phim có đoạn quay cảnh mấy em thiếu nhi đang xúm xít kẻ một cái biểu ngữ. Màn ảnh chỉ đủ lớn cho thấy phần đuôi của tấm vải với hai chữ lớn "vĩ đại". Phóng viên hỏi :
-Các em kẻ hai chữ "vĩ đại", vậy các em đã nhìn thấy có cái gì ở đâu vĩ đại không ?
     Một thiếu nhi ngẫm nghĩ rồi trả lời :
-Em chỉ nghe nói đến vĩ đại, chứ chưa thấy cái gì vĩ đại cả.
      Hầu như chỉ những người tỵ nạn chính trị đi sau năm 1975 mới hiểu rõ ý nghĩa trọng đại mà chế độ mới vẫn thường gán ghép cho hai chữ "vĩ đại" mỗi khi đặt nó lên biểu ngữ. Hai chữ ấy chỉ được dùng khi nói đến hoặc "Đảng", hoặc "Bác Hồ" mà thôi. Vậy mà đạo diễn Trần văn Thủy đã để cho một "cháu ngoan bác Hồ" tuyên bố một câu khẳng định : "Em chỉ nghe nói đến vĩ đại chứ chưa thấy cái gì vĩ đại cả !" (Văn Học số 50, tháng 4 năm 1990)
        Mặt khác, nhà văn Dương Thu Hương nhân đọc tham luận trước Đại hội Nhà văn lần thứ IV năm 1990 đã nhận định về uy tín của Đảng như sau :
      "Mười năm nay chúng ta chứng kiến tình trạng suy đồi của không ít đảng viên và cán bộ. Hiện tượng tham nhũng, ăn hối lộ, hà hiếp dân chúng trở thành phổ biến. Một số đã bị pháp luật nghiêm trị, nhưng họ chỉ là tử số trong một phân số mà mẫu số quá lớn".
       Sau khi trình bày phẩm chất rách nát của Đảng, Dương Thu Hương không ngần ngại tấn công vào vai trò lãnh đạo tự phong, tối cao và bất khả xét lại của đảng :
       "Không một cá nhân, không một đảng phái hoặc một giai cấp nào có quyền đặt mình lên trên dân tộc. Đó là chân lý vĩnh hằng. Trong quá khứ, chỉ có những thời đại dã man nhất mới có những cá nhân dày đạp lên dân chúng : triều đại Tần Thủy Hoàng, triều đại Võ Tắc Thiên dâm loạn, hoặc các nhà độc tài dù là độc tài khoác áo trắng như Hitler, Mussolini, hoặc khoác áo đỏ như Staline, Mao Trạch Đông. Ngày nay kẻ nào dùng bạo lực là kẻ yếu. Ai thương yêu con người hơn, tử tế với con người hơn, người đó sẽ thắng.
      ... Mai sau lịch sử sẽ phán xét tất cả, lịch sử không có phạm trù bao cấp. Lịch-sử không có thể-chế độc-quyền và ưu-tiên".
      Cùng quan điểm với Dương Thu Hương, nhà văn Bửu Tiến trước Đại hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 đã công khai phản kháng đảng bằng cách nhắc lại vụ án Nhân Văn Giai Phẩm để dứt khoát ca ngợi tinh thần của Nhân Văn Giai Phẩm. Bửu Tiến kết thúc bài tham luận của ông ta bằng một câu nói rất buồn nhưng vô cùng phẫn hận :
      "Xin lỗi anh em Nhân Văn Giai Phẩm và, trừu tượng hơn, xin tạ tội với Tự-do Dân-chủ, giấc mơ ngàn đời của nhân loại và của bản thân".
       Nhắc đến chủ đề "phản kháng Bác và Đảng", người ta không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn này xuất thân là một giáo sư Sử Học, nhưng lại gây xôn xao dư luận bằng cách viết một loạt tác phẩm có chủ ý hạ bệ thần tượng lịch sử. Thái độ này của Nguyễn Huy Thiệp có hai chủ ý rõ rệt :
Chủ ý một : áp dụng phương pháp loại tỉ, Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ các thần tượng lịch sử, trừ ra "Bác Hồ" là Nguyễn Huy Thiệp không nhắc tới, không đề cao, không hạ bệ. Sự thể này hiển nhiên có hậu ý rằng : Nguyễn Huy Thiệp rất muốn hạ bệ "bác Hồ", nhưng ý muốn này không thể thực hiện được, bởi vì chung quanh "bác" có cả một đội ngũ công an canh phòng.
Chủ ý hai: người Việt Nam thường nói "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Vì vậy quan sát tâm lý của người dân đối với cấp lãnh đạo nói chung, người ta sẽ đoán biết lòng kính trọng của người dân này đối với cấp lãnh đạo của triều đại mà người dân đương sự sinh trưởng. Nguyễn Huy Thiệp là người dân sống dưới triều đại Hồ chí Minh. Thế nên khi Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ các thần tượng lịch sử, người đọc lập tức hiểu rằng: Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn giận cá chém thớt, cá là Hồ chí Minh, thớt là các thần tượng bị Nguyễn Huy Thiệp hạ bệ.
       Châm biếm "bác", tấn công ngôi vị lãnh đạo của đảng, nhà văn phản kháng không thể không đả kích những sai lầm của Marx. Bởi vì "Bác", Đảng và Marx là "ba cây chụm lại thành hòn núi cao", núi của tham ô và bạo lực. Bây giờ chúng ta hãy nghe Hà Sĩ Phu nói về chủ nghĩa Marx trong bài viết "Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới":
    "Trong chương trình đổi mới, chúng ta đã xác định là phải "đổi mới tư duy", trong đó có tư duy lý luận. Nhưng rồi ở đâu đó lại xuất hiện ý kiến khẳng định "Đổi mới chẳng qua là trở về với những nguyên lý cơ bản của Marx Lenine". Mới bước vào cuộc thảo luận để tìm ra cái mới trong tư duy, mà đã vội đóng chốt trước bằng một kết luận đã cũ, dầu kết luận ấy là đúng chăng nữa, thì cũng chỉ sẽ thu được những lời phụ họa chứ không thể thu lượm được những tư duy khoa học. Vả lại, khi khẳng định  như thế là ta tự mâu thuẫn. Tại sao lại nói "trở về" ? Chúng ta từ trước tới nay luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Marx Lenine. Thậm chí có ai muốn tu chỉnh hay làm chệch đi một tí cũng không được. Ai được quyền đi chệch mà nay lại phải "trở về" với Marx Lenine ! Ta có một hệ thống khá hoàn chỉnh, hằng ngày có nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác kho tàng lý luận Marx Lenine thì chắc chắn khó xảy ra những lệch lạc gì lớn so với nguyên lý. Mặt khác, việc nhận có sai lầm ở khâu thực hành không thể loại trừ được khả năng có thể sai lầm ở khâu nguyên lý, trái lại nên coi những kết quả không tốt ở khâu thực hành như những gợi ý để một lần nữa kiểm tra lại nguyên lý, như vậy mới đúng với lô-gich. Ta nêu khẩu hiệu "dân kiểm tra" thì tại sao lại cấm kỵ sự kiểm tra cơ bản này. Sự kiểm tra tự thân nó chưa hề đồng nghĩa với phủ nhận".  (Tạp chí Sông Hương, số tháng 8 và 9 năm 1989).
        Lối trình bày tư tưởng của Hà Sĩ Phu tuy nhẹ nhàng và trầm tĩnh, nhưng cũng đủ để mọi người thừa hiểu : chủ nghĩa Marx là nguyên nhân chính yếu đối với tất cả những thất bại hiện nay tại Việt Nam.
        Trên đây chỉ là những đoạn văn trích dẫn có tính tượng trưng : văn chương phản kháng chính là phản kháng Marx, "Bác" và Đảng.
Hình thức phản kháng : khi trực tiếp, khi gián tiếp.
Mức độ phản kháng : khi gay gắt chống đối, khi nhẹ nhàng thuyết phục.
       Vì vậy luận cứ cho rằng văn chương phản kháng chỉ là loại văn chương chống chế độ "từ đầu gối trở xuống" là một luận cứ vừa vô căn cứ, vừa không nghiêm chỉnh.

SUY NGHĨ THỨ HAI:Phải chăng các nhà văn phản kháng chỉ là những văn nô bởi lẽ họ không hề bị bách hại ?
 Thưa rằng : Phản kháng hay không phản kháng là ở nội dung của tác phẩm, và nhất là ở cảm nghĩ của người đọc, chứ không hề ở sự việc tác giả của văn chương phản kháng có bị tù đày hay không, và nếu bị tù thì phải là tù bao lâu mới đáng được gọi là phản kháng ?
        Những người chống văn chương phản kháng thường nhắc đến Nguyễn Chí Thiện hoặc vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956 để cho rằng các nhà văn phản kháng hiện nay phải chịu những cực hình như Nguyễn Chí Thiện hoặc Nhóm Nhân Văn đã chịu thì mới đáng được gọi là phản kháng.
        Những người phản kháng văn chương phản kháng đã quên rằng thời nay so với thời 1956 nội tình Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Thế Giới đã khác hẳn, tại sao quý vị lại cứ nằng nặc đòi hỏi Cộng sản Việt Nam phải áp dụng những biện pháp thuở 1956 đối với văn nghệ sĩ phản kháng hiện nay ? Nếu Cao Bá Quát không bị tru di tam tộc thì nhà thơ họ Cao có phải là một thi hào phản kháng hay không ? Có lẽ chỉ có những người không am tường tác dụng về nghệ thuật và về nhân sinh của văn học mới có thể dứt khoát lắc đầu trước câu hỏi này ! Hơn thế nữa, cho đến nay tin tức về việc các nhà văn phản kháng bị bách hại chưa được chúng ta ghi nhận, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là giới văn nghệ sĩ phản kháng sẽ vĩnh viễn được khang an trường thọ : họ sẽ chẳng bao giờ gặp "tai nạn lưu thông", hoặc gặp hỏa tai do người nào đó "bất cẩn" gây nên. Đòi hỏi văn nghệ sĩ phản kháng phải bị cực hình chẳng khác nào đòi hỏi chiến sĩ quân sự phải chết hoặc phải bị trọng thương sau mỗi chuyến hành quân, chiến sĩ nào không trở thành tử sĩ hoặc phế binh thì chiến sĩ đó bị xem là chiến sĩ giả, chiến sĩ gia nô của địch ! Mặt khác, dưới lăng kính văn minh nhân bản : đòi hỏi văn nghệ sĩ phản kháng phải gặp hoạn nạn là một đòi hỏi hiển nhiên không nhân ái. Thái độ không văn minh này là sự biểu hiện của tâm lý xem nghĩa vụ phản kháng bạo quyền không hề là nghĩa vụ của chính mình, mình ở đây là toàn thể người Việt. Thay vì đóng vai kẻ lạ mặt để đặt câu hỏi : Tại sao văn nghệ sĩ phản kháng không bị hành hạ, trân trọng thỉnh cầu quý vị phản kháng văn chương phản kháng hãy tự hỏi bản thân : sau năm 1975, thời kỳ còn sống trong nước, quý vị đã có bất kỳ hành vi phản kháng nào không, dầu chỉ là phản kháng chú công an khu vực ?

 SUY NGHĨ THỨ BA: Phải chăng ở đâu có phản kháng, ở đó có tự do tư tưởng?
Thưa rằng : Một trong các lý do trội yếu nhất dẫn đến tình trạng phản kháng văn chương phản kháng là ý kiến rằng : nếu nhìn nhận có văn chương phản kháng tại Việt Nam tức là mặc nhiên nhìn nhận đổi mới tại Việt Nam đã mang lại quyền tự do tư tưởng cho mọi người. Ý kiến vừa trình bày rõ ràng có hai nghịch lý :
Nghịch lý một : Ngày nay Cộng sản Việt Nam bắt buộc phải mở cửa biên giới để "mưu sinh thoát hiểm". Mỗi ngày có biết bao nhiêu ngàn khách ngoại quốc và Việt kiều ra vào Việt Nam, thế nên mức độ tự do, nếu có, tại Việt Nam tiến tới đâu, cả thế giới biết tới đó. Vì vậy lo sợ thế giới hiểu lầm Cộng sản Việt Nam chỉ là lo sợ rập theo tâm lý chống cộng của thời Cộng Sản còn củng cố bức màn sắt hoặc màn tre.
Nghịch lý hai : Dưới chế độ tự do dân chủ, phản kháng đúng là dấu hiệu của tự do. Thế nhưng dưới chế độ Cộng Sản, nhất là Cộng Sản Tàu và Cộng Sản Việt Nam, phản kháng chỉ là tình trạng tức nước vỡ bờ. Phản kháng tại Thiên An Môn chỉ là báo hiệu của một vụ tắm máu. Phản kháng trong Trăm Hoa Đua Nở chỉ là bước đầu của vụ án Nhân Văn. Phản kháng sau bức màn sắt tại Nga suốt bảy mươi năm chính là những viên đá lót đường của Perestroiika ngày nay. Văn chương phản kháng tại quốc nội sẽ dẫn Việt Nam đi về đâu ? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này. Thế nhưng, bất luận tương lai của Việt Nam tiến về hướng nào, phong trào văn chương phản kháng vẫn là một sự thật không thể chối cãi.
Chính những người phủ định văn chương phản kháng cũng đã phần nào cảm thấy cái gì đó không ổn nằm bên trong luận điểm : "ở đâu có phản kháng, ở đó có tự do tư tưởng". Để đắp vá cho điểm không ổn vừa kể, những người phủ định văn chương phản kháng lại tiếp tục lý luận rằng : Văn chương phản kháng không thể được tôn vinh, bởi lẽ nó chỉ là loại phản kháng "được phép". Lý luận này hẳn nhiên đã lấy lời tuyên bố "cởi trói" cho văn nghệ của Nguyễn Văn Linh làm nền tảng. Xin đừng quên : nền tảng của một sinh hoạt xã hội bao giờ cũng phải là một văn bản pháp lý chứ không thể chỉ là một lời tuyên bố có chất cảm tính cá nhân. Văn bản pháp lý có liên hệ với phong trào văn chương phản kháng chính là Nghị quyết Văn nghệ số 5 năm 1987 của đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết này cho phép văn nghệ sĩ được tự do nghĩ và tự do viết, nhưng với điều kiện là ngòi viết của văn nghệ sĩ không được phép chọc thủng luật pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và cũng không được phép viết những gì trái với quyền lợi dân tộc.
Thế nào là luật pháp xã hội chủ nghĩa ? Thế nào là quyền lợi dân tộc ? Trả lời hai câu hỏi này, văn nghệ sĩ Việt Nam tại quốc nội đều phải quay trở về với đề cương văn hóa năm 1943 của đảng Cộng sản Việt Nam, tức là quay trở về với "Marx-Lenine vô địch" và với "đảng quang vinh".
Tóm lại, Nghị quyết Văn nghệ số 5 năm 1987 đích thực là một Nghị quyết giả vờ cởi trói cho văn nghệ : cởi nhưng không cởi. Đọc đến đây có lẽ những người phủ định văn chương phản kháng lại nghĩ đến sự việc : có thể có một số nhà văn đã viết văn chương phản kháng theo kiểu "đối lập cuội" do những cho phép riêng và mật từ giới lãnh đạo đảng. Dĩ nhiên không người nào có thể viện dẫn bằng chứng về những "cho phép riêng và mật". Vì vậy lý luận về văn chương phản kháng lại phải chuyển thành lý luận về một giả thuyết. Giả thuyết rằng : "cho phép riêng và mật" là một sự kiện có thực thì sao ? Câu hỏi này gợi nhớ câu chuyện phù thủy và âm binh.
Mặc dầu phù thủy tạo ra âm binh, nhưng rất nhiều khi âm binh đã quật ngược lại phù thủy. Thắc mắc không còn là phù thủy có khả năng tạo ra âm binh hay không, thắc mắc chỉ còn là trong hoàn cảnh nào phù thủy mất quyền điều khiển âm binh. Trên giả thuyết văn chương phản kháng chỉ là sản phẩm của sự kiện "cho phép riêng và mật", nhà văn nhận chịu sự cho phép có hai mối liên hệ :
Liên hệ một : là liên hệ giữa giới chức cho phép và nhà văn được phép. Giới chức cho phép là phù thủy, nhà văn được phép là âm binh.
Liên hệ hai : là liên hệ giữa "nhà văn được phép"  và tác phẩm của nhà văn này.
             Nhà văn hẳn nhiên là người đã khai sinh ra tất cả nhân vật trong tác phẩm, tuy nhiên không vì thế mà nhất cử nhất động của nhân vật đều nằm trong bộ óc tính toán của nhà văn. Kỹ thuật và nghệ thuật của tiểu thuyết đòi hỏi nhà văn phải có đủ khả năng và khéo léo để tôn trọng tính chủ động của mỗi nhân vật. Tính chủ động này trôi nổi uyển chuyển và sinh động theo từng tình huống trong đời sống của quần chúng nhân dân. Tới một lúc nào đó, nhà văn chạy theo nhân vật, chứ nhân vật không phải là người máy của nhà văn. Nhà văn chạy theo nhân vật tức là nhà văn chạy theo những tư duy và hành động của quần chúng. Chính thái độ "chạy theo" này đã làm cho nhà văn được quần chúng đón nhận. Nghịch đảo của luận cứ vừa trình bày là quan điểm rằng : khi quần chúng đón nhận một nhà văn, điều đó có nghĩa là nhà văn được đón nhận đã chạy theo nhân vật, chạy theo quần chúng.
         Trở lại với giả thuyết phù thủy và âm binh : nếu lãnh đạo đảng là phù thủy, nếu nhà văn phản kháng là âm binh, thì liên hệ giữa phù thủy và âm binh chỉ là liên hệ hình thức: bên này cho phép, bên kia nhận phép. Ngay sau khi nhận phép, thay vì chạy theo phù thủy, "nhà văn âm binh" lại chạy theo nhân vật, chạy theo quần chúng nhân dân do đòi hỏi của kỹ thuật và nghệ thuật viết tiểu thuyết nói riêng, viết văn nói chung. Đó là tất cả dữ kiện nghiêm chỉnh nhất có tác dụng giải thích lý do tại sao "nhà văn âm binh" quật ngược phù thủy cầm quyền. Do mạch lý luận nên chúng tôi đã bắt buộc phải đặt giả thuyết về "nhà văn âm binh". Đặt giả thuyết để làm sáng tỏ lý luận bôi bỏ giả thuyết, chứ không hề hàm ngụ bất kỳ ý nghĩ kém tôn kính nào nhằm vào các nhà văn phản kháng.
          Sở dĩ nhà văn phản kháng chạy theo quần chúng nhân dân trở thành một sự kiện khẳng định là vì các nhà văn này đã được quần chúng đón nhận qua dư luận báo chí và nhất là qua số lượng sách của họ đã được người đọc nồng nhiệt đón mua. Lịch sử văn học không hề xảy ra hiện tượng : một tác phẩm được quần chúng hâm mộ lại là một sản phẩm của văn nô. Vì vậy thay vì mất thời giờ tranh cãi lẫn nhau về văn chương "được phép" hay văn chương "không được phép", chúng ta hãy xử dụng lòng mến mộ của quần chúng đối với tác phẩm như một tiêu chuẩn hữu lý để xác định tính chất phản kháng của phong trào văn chương phản kháng. Vả lại nếu các văn phẩm của phong trào văn chương phản kháng không được mến mộ thì tại sao chúng ta lại phải tốn rất nhiều tim óc và giấy mực để viết về phong trào này ?

SUY NGHĨ THỨ TƯ : Phải chăng nhà văn nào trước kia đã từng có tác phẩm nhục mạ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nay không có tư cách để tham dự phong trào văn chương phản kháng ?
 Thưa rằng : Không riêng gì đối với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà đối với bất kỳ cá nhân và tập thể nào, nhà văn phải thường xuyên biểu lộ thái độ nhã nhặn và nghiêm túc. Thế giới của "văn" không thể dung chứa ngôn ngữ nhục mạ. Tuy nhiên, muốn kết luận về phẩm cách của một nhà văn, người ta phải chờ cho đến lúc nắp quan tài của nhà văn này được niêm lại. Đó là chân ý nghĩa của quan niệm "cái quan định luận". Vạn vật thường hằng thay đổi, tại sao nhà văn không được phép thay đổi lối viết của họ, thay đổi từ "văn chương" thóa mạ đến văn chương phản kháng. Vả lại đề cao phong trào văn chương phản kháng không có nghĩa là đề cao toàn bộ đời sống của những nhà văn phản kháng. Đề cao phong trào văn chương phản kháng chỉ giới hạn trong phạm vi đề cao phần văn nghiệp tham dự vào văn chương phản kháng của mỗi nhà văn. Muốn nhận định một vấn đề, trước tiên người ta phải biết giới hạn vấn đề. Sinh hoạt xã hội sẽ rối tung nếu "các nhà bình luận" cứ mang đầu của vấn đề này nối với hông của vấn đề khác. Chính vì tôn trọng nguyên tắc giới hạn vấn đề, cho nên khi xét một vụ kiện, tòa án chỉ xét xử các yếu tố xảy ra trong khoảng thời gian và không gian của vụ phạm pháp, tòa án không hề và không được phép biến những nghĩ và những làm của bị can trong quá khứ hoặc trong tương lai thành những yếu tố pháp lý của tác vụ tài phán. Nhắc đến một khía cạnh của nguyên tắc xử án, chúng tôi có chủ ý trình trước tòa án công luận rằng : chúng tôi không đồng ý với ông Trần Mạnh Hảo về những lời lẽ khiếm lễ mà nhà văn này đã xử dụng đối với một số Sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Tuy nhiên sự không đồng ý này không cho phép chúng tôi gạt bỏ tác phẩm "Ly Thân" của Trần Mạnh Hảo ra khỏi phong trào văn chương phản kháng. Đó là lý do giải thích tại sao chúng tôi ghi tên Trần Mạnh Hảo vào phong trào văn chương phản kháng.

SUY NGHĨ THỨ NĂM : Phải chăng nhà văn nào còn ca tụng Marx, nhà văn đó không xứng đáng đứng trong hàng ngũ nhà văn phản kháng ?
Thưa rằng : Hầu hết nhà văn phản kháng đều xuất thân từ hệ thống giáo dục Marx-Lenine. Vì vậy họ tin tưởng có một mẫu người Cộng Sản lý tưởng, một mẫu người Cộng Sản nhân ái. Tin tưởng này là hiệu quả tất nhiên của giáo dục Marx-Lenine. Tuy nhiên, đứng về mặt văn chương phản kháng, nhà văn chỉ thực sự được xem là nhà văn phản kháng khi nào nhà văn đương sự đã chọn dân tộc là đối tượng tối cao : cao hơn Marx, hơn "Bác" và hơn Đảng. Riêng đối với Dương Thu Hương, nhà văn nữ này đã rất thành thật khi viết :
         "Những người Cộng Sản làm cách mạng vì lý tưởng cao cả là đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng muốn thực thi một lý tưởng phải có vô số biện pháp và cương lĩnh chính trị thực hiện. Tôi ngờ rằng chúng ta đã bị đóng đinh vào lý tưởng hoàn mỹ ấy một cách thụ động, không còn đủ lý trí để suy xét".
         Tuy nhiên, khác với những người Cộng Sản vô Tổ quốc, xem Tổ quốc chỉ là phương tiện giai đoạn của cách mạng vô sản, yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa, Dương Thu Hương đã dứt khoát xác định dân tộc là đối tượng tối cao : "Không một cá nhân, không một đảng phái, hoặc một giai cấp nào có quyền đặt mình lên trên dân tộc".
         Cầm nắm nguyên tắc "dân tộc tối cao", chi tiết hóa và lý luận hóa nguyên tắc dân tộc tối cao, chủ nghĩa Marx tự nó sẽ vỡ vụn chẳng khác nào bức tường Bá Linh. Đây là lý do chân tình nhất, căn bản nhất khiến chúng tôi đón nhận Dương Thu Hương như một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào văn chương phản kháng. Vấn đề nguyên tắc "dân tộc tối cao" có khả năng giải trừ chủ nghĩa Marx là một vấn đề lớn, vấn đề dài trên địa bàn lý luận biện chứng. Bài viết này không có trọng tâm phân tích vấn đề vừa nói. Tuy nhiên bất luận ở đâu và lúc nào được bạn đọc hỏi đến nguyên tắc dân tộc tối cao, chúng tôi cũng sẵn sàng hầu chuyện với bạn đọc theo những điều mà bạn đọc muốn biết.

SUY NGHĨ THỨ SÁU : Phải chăng đề cao văn chương phản kháng là xóa bỏ ranh giới Quốc Cộng, là làm lạc hướng cuộc đấu tranh chống cộng ?
Thưa rằng : đấu tranh chính trị bao giờ cũng là cuộc đấu tranh muôn mặt. Ranh giới của đấu tranh chính trị được xác định bởi trình độ tư tưởng chứ không bởi hàng rào kẽm gai, không bởi màu cờ, lại càng không bởi phương pháp phân loại để biệt lập bên này là sách báo Quốc Gia, bên kia là sách báo Cộng Sản. Đề cao văn chương phản kháng quốc nội chẳng những không làm phai mờ ranh giới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng Sản, mà còn là cơ hội giúp mọi người thấy rõ tác dụng muôn mặt trong cuộc đấu tranh cho quyền thượng tôn dân tộc hiểu theo nghĩa thống nhất giữa dân tộc tính và nhân loại toàn tính.
          Những người phủ định văn chương phản kháng thường tỏ ý lo sợ quần chúng sẽ bị nhiễm độc bởi sách báo của Cộng Sản. Song song với tâm lý lo sợ này, các tác giả phủ định văn chương phản kháng bao giờ cũng sẵn sàng trích dẫn đủ loại sách báo của Cộng sản Việt Nam mà họ đã đọc. Thái độ vừa kể của các tác giả phủ định văn chương phản kháng đã hiển nhiên nói với bạn đọc rằng :
-Chỉ có chúng tôi mới là những người không thể bị nhiễm độc bởi sách báo Cộng Sản.
-Chỉ có chúng tôi mới là những người có thẩm quyền đọc sách báo Cộng Sản.
-Và chỉ có chúng tôi là thành phần duy nhất ở trong quần chúng nhưng không bị cầm chân trong vòng "dân trí thấp".
      Tâm trạng thường xuyên lo sợ quần chúng bị "đỏ hóa" bởi văn hóa phẩm Cộng Sản rõ ràng là tâm trạng được ra đời từ cung cách làm việc của ngành thông tin tuyên truyền thời Pháp thuộc. Hoàn cảnh chính trị ngày nay đã đổi, tại sao phương pháp chống Cộng Sản vẫn là phương pháp trước năm 1975. Chủ nghĩa Marx đang phá sản trên toàn thế giới, tại sao quý vị chống văn chương phản kháng lại vẫn cứ một mực sợ bị "Cộng Sản hóa" mà không hề dám nghĩ đến công việc dân tộc hóa người Cộng Sản ? Mới đây chánh quyền Đài Loan đã tuyên bố đình chỉ chính sách đối đầu với Hoa Lục. Sự thể này chỉ có một ý nghĩa duy nhất : Đài Loan đã từ bỏ lề lối chống cộng cũ để thực hiện chính sách "Đài Loan hóa" Hoa Lục bằng kinh tế và văn hóa. Quý vị phủ định văn chương phản kháng nên suy nghĩ thật sâu sắc về tương quan ngoại giao mới mẻ giữa Hoa Lục và Đài Loan trước khi quý vị tiếp tục chính sách độc quyền chống cộng :
-Chỉ có quý vị mới hiểu biết thế nào là chống cộng.
-Chỉ có phương pháp chống cộng của quý vị mới là phương pháp duy nhất đúng và hoàn toàn đúng.
         Hẳn nhiên chúng ta chống cộng chỉ vì người Cộng Sản không chấp nhận chế độ dân chủ đa nguyên. Thế nhưng, phải chăng độc quyền chống cộng, độc quyền vẽ lằn ranh Quốc Cộng là hai dấu hiệu trội yếu của sinh hoạt dân chủ đa nguyên ?
         Những phủ định và hạ bệ đi kèm với những xác định và tôn vinh nhằm vào văn chương phản kháng hẳn nhiên không làm cho bạn đọc ngạc nhiên, bởi lẽ đó là ý nghĩa của phản phục trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, phản phục không hề đồng nghĩa với xuyên tạc và bôi nhọ. Xuyên tạc và bôi nhọ vừa là dấu hiệu của nghèo nàn về lý luận, vừa là hành động nông nổi, và dĩ nhiên là vô cùng đáng tiếc của những người chưa đạt được ý thức rằng : tranh luận là phương pháp hữu hiệu nhất để làm cho chân lý trở nên trội yếu, trong khi xuyên tạc và bôi nhọ lại là nỗ lực phá vỡ cây cầu dẫn đến chân lý. Chúng tôi nhắc đến chân ý nghĩa của tranh luận bởi vì chúng tôi nhận thấy tôn vinh hay phủ định văn chương phản kháng là vấn đề còn tiếp tục gây ra nhiều tranh luận. Vì vậy muốn cho cuộc tranh luận được tiếp diễn trong tinh thần thông cảm và hiểu biết, và nhất là muốn cho cuộc tranh luận đưa dẫn mọi người đến chân lý, chúng tôi thành khẩn thỉnh cầu :
-Vài ngòi bút nào đó đã đôi lần lạc đường vào ngõ ngách của xuyên tạc và bôi nhọ, xin hãy dừng bước đi lạc.
-Vài cá nhân nào đó đã từng là nạn nhân của xuyên tạc và bôi nhọ, xin hãy tha thứ để quên đi.
        "Dừng bước đi lạc" và "quên đi để tha thứ" là hai yếu tố căn bản giúp cho những nghĩ và những viết về văn chương phản kháng càng ngày càng trở nên nghiêm chỉnh và chừng mực. Chỉ trong không khí nghiêm chỉnh và chừng mực này, mỗi chúng ta mới có thể ghi nhận được đầy đủ các yếu tố tình và lý bên trong và chung quanh cuộc tranh luận về văn chương phản kháng. Từ đó mỗi chúng ta sẽ tự mình trả lời cho chính lòng và lý trí của mình câu hỏi : Có hay không một phong trào văn chương phản kháng tại quê nhà ?

Đỗ Thái Nhiên



Monday, April 23, 2012

CHỐNG TỰ DIỄN BIẾN
                                         Đỗ Thái Nhiên

                   Vươn mình lên khỏi mặt đất, cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc.
               Ra khỏi lòng Mẹ, con người dấn thân vào vô số suy nghĩ, vô số hành động. Từ đó, con người trưởng thành…
                Sống đồng nghĩa với vận động. Vận động chính là sự phô diễn đời sống trong cõi dương gian. Tuy nhiên vận động không hề là, không thể là một đường thẳng trơn tuột không biến cố, không trở ngại. Đứng trước mỗi bế tắc của dòng đời, con người cần phô diễn đời sống bằng cách đưa ra những ứng biến hợp lý. Đó là chân ý nghĩa của nhóm chữ “tự diễn biến”.
               Khi một người ăn phải thực phẩm độc hại, lập tức người này nôn mửa để tống xuất thực phẩm kia ra khỏi cơ thể. Như vậy là người bị ngộ độc đã tự diễn biến về mặt sinh lý.
              Khi một người  bị kẻ khác dùng gian mưu để chiếm đoạt tài sản. Người này học lấy kinh nghiệm đau đớn kia và lòng tự dặn lòng sẽ sống cẩn thận hơn và khôn ngoan hơn. Như vậy là nạn nhân của vụ lường gạt đã tự diễn biến về mặt tâm lý.
             Tự diễn biến và đời người gắn bó với nhau như hai lá phổi gắn bó với khí trời. Thế nhưng, mới đây đảng CSVN lại kêu gọi người dân, đặc biệt là giới đảng viên hãy sống hùng sống mạnh nhưng cấm “tự diễn biến”.  Câu chuyện chống tự diễn biến như sau:
             Ngày 03/08/2009, bằng một bài viết đăng trên báo Nhân Dân điện tử, ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng, trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương đã nêu bật chủ trương rằng: “ Cần chủ động phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, hình thành lực lượng đối lập của các thế lực thù địch”
              Những trình bày của ông trưởng ban tư tưởng đảng rất lòng vòng, rất lơ mơ. Trong cái lòng vòng và lo mơ kia, dư luận đều hiểu rằng ông Tô Huy Rứa đang cố gắng chống lại ba điều diễn biến trong nội bộ đảng CSVN:    
            -Diễn biến một: là loại bỏ chế độ độc tài, tham ô và bán nước. Bán nước đến độ “thà mất nước chứ không mất đảng”. 
              -Diễn biến hai: là từ bỏ luận điệu chấp nhận làm nô lệ cho Trung Quốc với lý do “Trong chiến tranh trước 1975, “ta” nợ Trung Quốc quá nhiều”. Nợ ở đây chỉ là CS Việt nợ CS Tàu. Món nợ kia không thể xóa tan quyết tâm của nhân dân Việt Nam: quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Cha Ông
             -Diễn biến ba: là xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên đi kèm với giáo dục nhân bản, nhân chủ như là phương pháp luận hữu hiệu nhất trong việc thực hiện diễn biến một và hai.
               Điều đáng quan tâm là thay vì chỉa mũi dùi vào “Âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch” như thường lệ, lần này, Tô Huy Rứa đã đặc biệt nói tới hiểm họa “Chuyển biến nội bộ”. Điều này cho thấy: Ngày nay, nội bộ đảng CSVN đang có những đảng viên tự diễn biến theo ba diễn biến kể trên. Trào lưu tự diễn biến kia xuất phát từ thái độ bất bình của một số đảng viên lão thành đối với lãnh đạo đảng về tham ô, về bauxite, về phản ứng yếu hèn của Hà Nội trước hành động xâm lược một cách trịch thượng của Bắc Kinh. Nhằm thuyết phục đảng viên CSVN hãy ngưng ngay mọi ý định tự diễn biến, hãy  tiếp tục ngoan ngoãn sống dưới quyền thống trị  của đảng và ách đô hộ của Trung Quốc, Tô Huy Rứa trình bày hai luận cứ:
              Về đối nội và đối ngoại:  Tô Huy Rứa nhận định: “Bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phong phú, khẩn trương và phức tạp”…
             Tô Huy Rứa tiếp tục nhận định bâng quơ: “Xu hướng cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt trên địa bàn chiến lược, trong đó có biển Đông”.
            Sau cùng ông trưởng ban tư tưởng đảng kết luận: “Tình hình mới đó sẽ tác động nhiều mặt đối với nước ta, cả tích cực và tiêu cực trong thời gian tới”
            Đặc biệt trong toàn bộ bài tham luận dài một cách dị thường của  Tô Huy Rứa, người đọc không hề nhìn thấy bóng dáng của “các nước XHCN anh em” cũng như hình ảnh hách dịch của “Trung Quốc vĩ đại”
          Về phương pháp luận dành cho công tác chống tự diễn biến:
         Tự diễn biến không có nghĩa là muốn biến theo hướng nào cũng được. Có hai hướng diễn biến căn bản:
Một là lội ngược dòng lịch sử. Đây là hướng tự sát.
Hai là biến đúng theo hướng phát triển của lịch sử. Đây là hướng giúp cho đất nước thăng hoa, toàn dân hạnh phúc.
Đảng CSVN, qua Tô Huy Rứa, chống tự diễn biến có nghĩa là đảng muốn toàn đảng và toàn dân chấp nhân đi theo hướng biến do đảng chỉ đạo. Hướng đó là hướng nào? Tô Huy Rứa căn cứ vào Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh để trả lời rằng: “Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về CNXH, con đường đi lên CNXH của nước ta”.
             Không cần phải lý luận dông dài, mọi người đều thừa biết: Bám lấy Mác Lenin tức là bám lấy duy vật sử quan. Sử quan duy vật bao giờ cũng lớn tiếng xác định: giai cấp vô sản phải toàn thắng. Thực tế ở Việt Nam đã cho thấy phe vô sản càng ngày càng đông, càng đói rách-kiệt quệ. Phe vô sản đại bại. Đảng CSVN nhờ lợi dụng chiêu bài vô sản đã trở thành phe đại gia. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, chỉ có phe đại gia là phe đại thắng. Thắng ở đây thắng theo kiểu kẻ cướp thắng khổ chủ.
 Hình ảnh những anh đại gia nghênh ngang trong cảnh sống đế vương nhưng miệng vẫn ê a Marx Hồ, tay vẫn cầm lấy Duy Vật sử quan là hoạt cảnh tố cáo rằng: từ lâu CSVN đã ném Duy Vật sử quan vào thùng rác, và rằng “Tiến Lên CNXH” chỉ là một khẩu hiệu làm cho ra vẻ CSVN ngày nay vẫn là một chánh đảng đi theo đường lối Marx Lenin, chứ không là một băng đảng Mafia. Trong thực tế CSVN vừa cấm đảng viên và quần chúng không được tự diễn biến, vừa độc quyền dẫn đạo xã hội diễn biến theo cung cách của giới hoạt động chính trị không sử quan, giới đi biển không hải bàn.  Không hải bàn đồng nghĩa với lạc đường lịch sử, lội ngược dòng lịch sử.
              Rõ ràng là: bằng vào bài viết ngày 03/08/2009, Tô Huy Rứa, nhân danh đảng CSVN, đã đòi hỏi toàn đảng, toàn dân phải đi theo con đường diễn biến do đảng độc quyền dẫn đạo. Thế nhưng, quan điểm “huề vốn” về tình hình quốc nội và quốc tế, cộng với sự việc quái tượng tư tưởng Marx-Hồ vẫn được viện dẫn như kim chỉ Nam của công tác dẫn đạo tư tưởng đã biến đảng CSVN trở thành giới lãnh đạo mắt mù, tư tưởng trống rỗng nhưng lòng tham quyền và tham tiền thì vô hạn. Đối diện với tình huống vừa trình bày đảng viên tiến bộ và quần chúng Việt Nam không thể không dành lấy quyền  tự diễn biến.
            Một trong những qui luật trọng tâm của Dịch Học là luật phản phục. Trong âm có ẩn phục dương, trong thịnh có ẩn phục suy, trong hạnh phúc có ẩn phục đau khổ. Trong “Lội ngược dòng lịch sử” có ẩn phục lực điều chỉnh lịch sử, buộc xã hội phải vận hành đúng hướng tiến của lịch sử. Lực điều chỉnh lịch sử kia chính là lực tự diễn biến. Những điều vừa trình bày nhằm minh chứng: Tự diễn biến là phản ứng xuất phát từ quy luật phản phục của Dịch Học. Quy luật triết học bao giờ cũng có tính khách quan và khoa học. Quy luật triết học xảy diễn bất chấp con người muốn hay không muốn. Như vậy Tô Huy Rứa cùng với đảng CSVN không cách chi dập tắt trào lưu tự diễn biến. Nói đúng hơn tự diễn biến sẽ khuất phục đảng CSVN. Quy luật triết học không là công cụ bói toán.     
Vì vậy quy luật triết học không thể xác định ngày giờ chế độ Hà Nội gục ngã. Thế nhưng quy luật triết học mạnh mẽ xác định: tự-diễn-biến chắc chắn sẽ đẩy đảng CSVN vào hố cáo chung./.         
        
                                                                                                 Đỗ Thái Nhiên

Saturday, April 14, 2012

30 tháng 4, 75 và cụ Nguyễn Văn Huyền

Vũ Ánh
       (04/09/2010)


Lần chót tôi gặp cụ là vào khoảng 7 giờ tối ngày 28 tháng 4, 1975. Từ 8 giờ sáng ngày hôm đó, với tư cách là Phó Tổng Thống của “Big Minh,” cụ được giao nhiệm vụ vào trong trại Davis ở khu Tân Sơn Nhất, trụ sở của Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên, để theo lời cụ, thương lượng với viên tướng độc nhãn Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn, hầu tránh một cuộc đổ máu vô ích. Lúc xẩm tối 28 tháng 4, khi vừa từ đài truyền hình THVN-9 trở về thì nhận được điện thoại của Tổng Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là phải chuẩn bị để đón tiếp Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền và chuẩn bị sẵn một phòng vi âm để thu thanh hiệu triệu của cụ Huyền. Lý Quí Chung cho biết là cụ Huyền sẽ từ Tân Sơn Nhất đi thẳng về đài.
Tôi ra lệnh cho câu lạc bộ chuẩn bị sẵn một số khăn ướp lạnh và nước uống cho cụ trước khi cụ vào phòng vi âm, rồi gọi trưởng ban an ninh cho khám xét an ninh phòng vi âm B, tức là phòng vi âm chỉ để đón tiếp các khách VIP. Khoảng 10 phút sau, một toán an ninh từ Phủ Thủ Tướng sang để duyệt lại lần chót về an ninh trước khi cụ Huyền tới.
Vào khoảng thời gian đó, sức khỏe của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền đã xuống rất nhiều. Trước đây, khi còn làm Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, mỗi khi lên các bậc thềm ở trụ sở Hội Trường Diên Hồng hay cửa trước Dinh Ðộc Lập, cụ mới cần người dìu lên. Nay đi đâu cũng phải có người dìu.
Là người Công Giáo thuần thành, cụ nổi tiếng là người đạo đức, thanh liêm. Dường như, suốt cuộc đời làm chính trị, cụ không bị dính tới bất cứ một vụ tai tiếng nào về tiền bạc hay đạo đức chính trị hoặc đối xử tệ hại đối với các đồng viện hoặc đối với những người biểu lộ rõ rệt là không thích quan điểm của cụ. Thực tế, cũng khó kiếm ra một người mà ngay cả vào lúc quyền lực cao trọng như cụ mà vẫn sống một đời sống khổ hạnh. Và có lẽ trong chính giới ở Quốc Hội VNCH, cũng khó tìm một người lúc nào cũng giữ giọng ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng có sức nặng bằng những hòn đá tảng như cụ.
Người miền Nam, tính tình hiền hòa, cởi mở, không chấp nhất, câu nệ, nhưng rất cương quyết. Có một khoảng thời gian, một số những nhân vật thân chính ở trong chính phủ cũng như Quốc Hội toan tính vận động để sửa đổi số nhiệm kỳ mà một ứng cử viên tổng thống được quyền tranh cử, cụ đã thẳng thắn chống lại âm mưu này. Nếu kế hoạch thành công, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có quyền tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền về đến đài phát thanh Sài Gòn trước 7 giờ tối. Người sĩ quan tùy viên dìu cụ xuống xe. Tôi tiến tới bắt tay cụ và nói: “Chúng tôi nhận được lệnh đón tiếp Phó Tổng Thống. Phó Tổng Thống khỏe chứ ạ?” Qua làn kính cận, đôi mắt cụ Huyền sáng quắc. Cụ nói: “Hổm rày cũng không được khỏe lắm. Mình làm việc ngay được chứ?” “Vâng, chúng tôi đã chuẩn bị xong.”
Tôi đi chầm chậm hướng dẫn cụ Huyền vào sân cỏ hẹp chạy dọc theo các dãy phòng làm việc. Một số nhân viên mở cửa phòng tính đi theo cụ Huyền, nhưng bị trưởng ban an ninh mời ra. Ðúng theo kế hoạch và vì vấn đề an ninh, chỉ có những người nào có phận sự mới được lại gần khu vực phòng vi âm.
Thấy như vậy, cụ Huyền nói: “Thôi cứ để họ lại gần, qua muốn bắt tay và cảm ơn giờ này họ vẫn còn ở lại.” Cụ bắt tay từng người, hỏi thăm gia cảnh và đích thân ngỏ lời cảm ơn các nhân viên và các biên tập viên. Hai “tài xế” chủ câu lạc bộ đưa cho cụ một khay gồm khăn bông nhỏ trắng phau ướp lạnh và ly nước. Cụ Huyền nói: “Thôi để vào trong phòng vi âm.” Tôi hướng dẫn Phó Tổng Thống vào phòng vi âm và kéo ghế cho cụ ngồi trước microphone, rồi dặn dò cụ, rồi sau đó để cho ngoài phòng máy thử giọng và đo âm lượng. Loại máy hiệu Ampex mà từ lâu hệ thống truyền thanh quốc gia tín nhiệm có độ trung thực gần như 100%, nên cũng không cần thử máy nhiều lần. Cụ Huyền nói: “Qua quen mấy vụ này lắm rồi, em yên tâm.” Như Tổng Thống Dương Văn Minh, cụ Huyền dùng từ “qua” làm ngôi thứ nhất.
Bài hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền dài khoảng 7 phút đồng hồ, trong đó cụ chia làm hai phần. Phần đầu cụ tường trình về cuộc thương lượng với “phía bên kia” và phần thứ hai là kêu gọi mọi người tôn trọng luật pháp, tránh hoảng loạn, tránh những hành động có thể khiến lực lượng an ninh hiểu lầm. Cụ cũng kêu gọi lực lượng quân đội và cảnh sát sát cánh để giữ an ninh trật tự và thẳng tay đối với những kẻ cướp và hôi của. Bên ngoài phòng vi âm, nhân viên tụ tập vòng trong vòng ngoài và trời bỗng đổ xuống một cơn mưa nhẹ. Tiếng cụ Huyền trong hệ thống loa kiểm soát ngoài phòng máy vẫn lồng lộng, không vấp váp và đầy tình cảm. Cuối cùng, cụ Huyền kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi những quyết định của chính phủ. Khi cụ dứt lới, trên mắt mọi người từ trong và ngoài phòng vi âm đều đẫm nước.
          Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, rút trong túi áo chiếc khăn mù xoa trắng, chậm nước mắt. Cụ quay sang tôi và hỏi: “Trong đài hiện nay còn bao nhiêu người?” Tôi trình bày: “Thưa Phó Tổng Thống, ngay bây giờ đây chúng tôi có khoảng 40 người, những người còn ở lại làm việc tối nay dựa trên nguyên tắc tình nguyện. Hồi trưa, ông Tổng Trưởng Thông Tin nhắc lại lệnh của Tổng Thống là chỉ để lại những người cần thiết. Tôi đã cho những người không cần thiết về rồi. Số còn đứng ngoài kia họ chưa chịu rời khỏi đài.”
            Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền chậm rãi, nhưng giọng đầy xúc động: “Thật tình là chúng ta tuyệt vọng rồi. Qua không biết lấy gì để cảm ơn mấy em còn ở đây cho đến giờ phút này. Ðiều mà chính phủ cần bây giờ là thương lượng để họ (VC) đừng tắm máu những người dân vô tội. Cho nên tiếng nói quốc gia bây giờ rất cần thiết. Thành phố còn tương đối yên lành, ít cướp bóc và hôi của cũng là nhờ còn có đài phát thanh. Còn đài, họ biết là chính quyền còn nên chưa dám làm bậy.”
Tôi hỏi cụ Huyền: “Cuộc thương lượng có kết quả gì không thưa Phó Tổng Thống?” Cụ trầm ngâm một chút rồi trả lời, ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Lúc VNCH còn mạnh, họ cũng còn chưa chịu thỏa hiệp huống chi bây giờ. Chính phủ thì mới thành lập chưa được một ngày. Nhưng qua cũng nhịn nhục vào gặp họ chỉ để yêu cầu họ đừng tấn công bằng hỏa tiễn vào Sài Gòn, chết người thêm chi cho vô ích. Riêng qua và ông Minh thì còn kể số gì nữa, họ xử ra sao cũng được.”
Tôi hỏi cụ một câu chót: “Chúng tôi được biết, Phó Tổng Thống nhận lời’Big Minh’ rất trễ. Như vậy Phó Tổng Thống cũng biết trước là tình hình sẽ diễn tiến như hiện nay?” Cụ Huyền thẳng thắn: “Khi ông Thiệu bỏ đi, ai cũng đoán được là tình hình cuối cùng sẽ như hiện nay. Chúng tôi đứng ra nhận trách nhiệm khi biết rõ không còn phương sách nào có thể cứu vãn được. Trước khi chúng tôi quyết định, nhiều anh em đã nói, ngu dại gì mà bước vào làm việc trong hoàn cảnh này, nhưng tôi nghĩ đã là kẻ sĩ thì không thể nào thiếu trách nhiệm đến mức thời bình thì ngựa xe quyền lực, nhưng khi đất nước tan hoang thì lại bỏ đi tìm sự yên thân.”
Chờ đến khi trời dứt mưa hẳn, chúng tôi tiễn cụ Huyền ra xe. Cụ lại bắt tay từng người, mắt vẫn sáng quắc. Ðó là lần cuối cùng, tôi được gặp và nói chuyện với cụ, được biết tâm sự u uất của một người yêu nước. Khi vào trại cải tạo, chúng tôi có gặp lại một vài nhân viên đã từng được biệt phái làm việc trong văn phòng Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH. Họ cho biết cụ Huyền không bị đưa vào trại cải tạo nhưng bị quản thúc rất kỹ tại gia. Ngay cả vào chiều 29 tháng 4, sáng 30 tháng 4, 1975, cụ có nhiều cơ hội để ra đi, nhưng cụ đã từ chối. Và từ sau buổi sáng ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm, cụ Huyền giữ im lặng cho tới lúc qua đời. Và cũng từ đó không còn ai nhắc nhở đến cụ nữa.
Sang đến hải ngoại, tôi chỉ còn nghe thấy người ta gọi cụ Trần Văn Hương là kẻ sĩ cuối cùng của VNCH, chứ còn cụ Huyền thì thường là bị tiếng đời trách cứ vì cụ là phó của Tổng Thống Dương Văn Minh, trong khi “Big Minh” thường bị lên án là đã dâng miền Nam cho Cộng Sản.
Nhưng cá nhân, vốn là người từng học sử và đọc sử, tôi tin rằng những trách cứ bất công dành cho những nhà lãnh đạo cuối cùng của chế độ VNCH không có giá trị sử học. Vì nó không khách quan. Vì những người phán đoán còn có liên hệ đến biến cố lịch sử 30 tháng 4, 1975. Khi không còn lớp người này nữa thì thế hệ về sau sẽ truy cứu một cách độc lập những sử liệu, dùng sự đối chiếu khoa học để đưa ra các nhận xét vô tư hơn để tìm hiểu xem vì đâu, nguyên nhân nào dẫn tới sự đầu hàng vô điều kiện của VNCH chứ không phải ai là người ra lệnh đầu hàng. Một vài người đạp một căn nhà mà cột kèo chưa bị mục, nó không thể đổ. Nhưng một căn nhà cột kèo đã mục nát hết nó cũng sẽ đổ mà không cần người đạp. (V.A.)

                                Vũ Ánh
(Nguồn:  http://www.vietherald.com