Wednesday, December 28, 2011

                Chùa làng
                            
                                                                  Tuệ Chương
                                           
                     
                                                         Chùa Dâu
Ở đâu có người Việt sinh sống là ở đó có chùa. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc bộ hay trong tiến trình thành lập làng xã trong cuộc Nam tiến, người Việt Nam định cư tới đâu, lập làng ở đâu là dựng chùa ở đó, giống như người Mỹ trong cuộc Tây tiến của họ đến đâu họ lập làng (town) là họ dựng nhà thờ.
Đạo Phật truyền bá vào nước ta từ rất lâu, ngay từ Bắc thuộc lần thứ nhứt, thứ hai, theo con đường từ Ấn Độ qua Trung Hoa xuống Việt Nam hay đi thẳng từ Ấn Độ qua Việt Nam. Các danh Tăng còn ghi lại trong sử sách là Khang Cư, Nguyệt Thị, Ti-Ni-Đa-Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Chi phái nầy được gọi là Bắc tông. Phật giáo không chỉ phát triển trong hàng vua quan mà còn thấm sâu vào hàng dân dã, trở thành tín ngưỡng lớn nhất, mạnh nhất và thấm sâu nhất vào lòng dân tộc. Phật giáo là tư duy, là cách sống, là phong tục, lề thói, là tôn ti trật tự gia đình, xã hội, góp phần lớn lao vào sự phát triển xã hội, quốc gia. Để bảo tồn và phát huy đời sống xã hội cũng như tôn giáo, mỗi làng thường có chùa. Có thể nói ở đâu có người Việt sinh sống là ở đó có chùa. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc bộ hay trong tiến trình thành lập làng xã trong cuộc Nam tiến, người Việt Nam định cư tới đâu, lập làng ở đâu là dựng chùa ở đó, giống như người Mỹ trong cuộc Tây tiến của họ đến đâu họ lập làng (town) là họ dựng nhà thờ
            Đơn vị hành chánh và xã hội nước ta là làng. Sau khi lập làng, dân làng tôn người khai phá đầu tiên làm Thành hoàng của làng. Họ dựng đình để thờ Thành hoàng, làm nơi hội họp, cúng tế trong các dịp lễ tết; họ cũng dựng chùa làng để bảo tồn và phát huy đời sống tôn giáo, gia đình và xã hội. Do đó, đình và chùa làng là hai biểu tượng của mỗi làng đã có từ ngàn xưa khi người Việt Nam bắt đầu dựng nước, dựng làng. Bên cạnh đình là nơi cúng kỵ những người có công dựng làng thì bên chùa là nơi thờ Phật để dân làng lễ bái, tu thân, trau giồi đức hạnh, ăn hiền ở lành, để phước để đức lại cho con cháu. Đó là đời sống tinh thần thiết thân của người Việt Nam mà nếu không có nó thì mất đi ý nghĩa của một làng, của một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời.

                                      
     
                            Lễ rước sắc phong Thành Hoàng tại Đình Làng

            Đình thường dựng ngay giữa làng, bên cạnh một con sông, một cánh đồng. Ngay từ khi dựng đình hay dựng chùa, người ta trồng một cây đa trong sân để lấy bóng mát, cây đa trở thành biểu tượng linh thiêng cho đình và cho chùa. Chùa cũng được chọn xây dựng ở một địa điểm như đình nếu như làng tọa vị tại một vùng trũng, không có đồi núi. Tuy nhiên, ở vùng trung du Bắc bộ, không có núi cao nhưng lại có nhiều đồi thì chùa được dựng trên một ngọn đồi, bên một sườn đồi. Trên con đường về làng, người ta có thể thấy ngôi chùa làng hiện ra xa xa mờ ảo trong làn sương khói, ngôi chùa làng cheo leo bên ngọn đồi. Lòng kẻ tha hương rộn ràng náo nức từ đó.
            Người Việt Nam tin vào phong thủy (địa lý) nên việc chọn địa điểm xây chùa bao giờ cũng cẩn trọng, vì họ tin rằng sự yên ổn của ngôi chùa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong làng. Theo sư Không Lộ đời Lý, thì nơi dựng chùa phải “Tuyển đắc long xà địa khả cư”, nói một cách nôm na là “Tay long tay hổ”, có “long mạch”. Sách “An Tượng Tam Muội Tập” bản in đời nhà Nguyễn có một đoạn nói về việc dựng chùa như sau:
“Xây dựng chùa phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không hoặc có sông ngòi, hồ ao ôm bọc. Núi hổ (tay hổ) ở bên phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướng, lọng báu hoặc có hình rồng phượng, qui, xà chầu bái. Đó là đất “dương cơ ái hổ” (nền dương tay hổ). Cũng lại nên cưỡi đảo lại (đảo kỵ) như người cưỡi ngựa thì đầu phải ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có minh đường đều được phía sau không nên có núi áp kề, thế là đất tốt.”
            Chùa Việt Nam là một kiểu chùa đặc biệt, không giống chùa Trung Hoa hay Ấn Độ. Chùa làng thông thường làm theo kiểu chữ đinh (gần giống chữ T quốc ngữ) hay chữ công (chữ H quốc ngữ, nằm ngang) hay chữ tam (ba gạch ngang) tùy theo công đức đóng góp hoặc dân làng giàu nghèo. Gian trước thường là nơi thờ hộ pháp, gian trong là chánh điện thờ các vị Phật, Bồ-tát (Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng). Trước chùa có cổng Tam quan là ngôi nhà nhỏ nằm ngang, nối liền bốn cây cột, chia thành ba cửa: Cửa giữa và hai cửa hai bên. Có khi không có nhà mà chỉ là bốn cây cột dựng thẳng lên và gắn các cánh cổng.

       
                              
                                 Lễ rước Phật tại một ngôi chùa Làng

            Cửa chùa thường khi rộng mở, nhưng cũng có lúc đóng lại và khóa kín. Người vào chùa phải giựt dây chuông để gọi chú tiểu ra mở cổng. Nói chung, nơi dựng chùa phải có cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ, có đồi núi hồ ao sông ngòi, v.v... không quá gần dân làng để tránh sự ồn ào náo nhiệt, không quá xa dân làng vì việc tu học cần có sự giúp đỡ của dân, không khó khăn cho thiện nam tín nữ đi lại lễ bái và vãn cảnh chùa.
            Các vị Trưởng lão ở chùa không những là người thâm sâu giáo lý nhà Phật, lâu lâu các vị thức giả đến thăm chùa, đàm đạo cùng vị Trưởng lão mà còn là “bạn trà” trong nghệ thuật uống trà tuyệt vời của người châu Á có chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Trong truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm” trong tập “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, ông kể lại câu chuyện một ông già trong làng được một người ăn mày cho xem một bộ ấm trà đã mấy đời do tổ tiên để lại, trở nên nghèo vì ghiền trà. Đó là loại ấm trà tốt hơn cả các loại:
            Thứ nhứt Thế Đức gan gà, Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.
            Ông già và người ăn mày tương đắc về việc uống trà. Muốn pha một ấm trà mới, người con trai của gia chủ đi theo lão bộc lên tận ngôi chùa làng trên đồi cao để xin một đôi nước về pha trà. Người dân thường khi đi xa nhớ làng của mình, nhớ nhà mình, nhớ con đường ngõ xóm, nhớ đình, nhớ chùa làng, v.v... Đó là những hình ảnh, những cảnh vật rất thân quen, gần gũi. Chùa làng là của chung nhưng ai cũng có cái riêng trong đó, tâm tư tình cảm riêng và cả những kỷ niệm riêng, kể từ khi thơ ấu, lần đầu tiên đi chùa. Trong ý nghĩa riêng tư đó, một nhà thơ đã dùng một chữ rất hay trong đoạn thơ:
Cây đa cũ chắc đã già hơn truớc
Biết có còn đổ lá xuống sân tôi?
            Sao lại “sân tôi” mà không là “sân xưa” hay “sân hoang” (vắng) chẳng hạn. Tôi không nghĩ thi sĩ đẻo gọt từng chữ để đưa vào đây mà chỉ là cái hay xuất thần của người làm thơ. Từ rất lâu, trong tiềm thức, tác giả nghĩ chùa là của ông, một phần trong cuộc sống của ông, nơi ông sống với nhiều kỷ niệm yêu mến; nay xa chùa, những buồn vui từ trong tiềm thức trổi dậy cùng với lòng thương nhớ khôn nguôi, như một sức mạnh vô hình khiến ông đặt bút viết xuống một chữ rất hay, rất tự nhiên mà thấm thía vô cùng. Chùa là của tôi, cây đa là của tôi và sân chùa, nơi những chiếc lá đa rụng xuống cũng là “sân tôi”.
            Trong một hồi ký của Nhất Linh, ông nhắc lại một kỷ niệm khi ông 11 tuổi, được bố đưa đi thăm chùa Trấn Quốc, ông làm bài thơ tả cảnh chùa như sau:
                        Chung quanh cây cối rườm rà,
Giữa hồ có một chùa ta đây này
            Sao lại “chùa ta”. Tôi không nghĩ “mầm non văn nghệ” Nhất Linh dùng chữ (chùa) ta cho luôn vần với chữ (rườm) rà ở trên, mà chính ông muốn nói chùa của ta, cũng như “sân tôi” vậy.
            Trong sinh hoạt của chùa, các sư có những thời kỳ tu tập phù hợp với đời sống nông nghiệp của dân tộc. Khoảng tháng tư, tháng năm là mùa “kiết hạ an cư” (mùa tu học) là lúc mùa màng đã xong. Các chú điệu, sư chú, quý thầy trẻ phải tự làm ruộng, trồng đậu, trồng rau sinh sống. Công việc không quá nặng nhọc vì chùa không có nhiều đất ruộng, chỉ đủ cho người tu hành sống đạm bạc tương chao. Thường khi mùa màng xong thì cũng có những hội chùa. Đó là ngày lễ Phật đản chẳng hạn:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu
                            (Chùa Dâu ở Bắc Ninh).
            Ngày trước hội chùa vào ngày 8 tháng Tư Âm lịch, là ngày Phật đản; hội rất lớn. Không những dân làng và các làng lân cận mà ngay người dân các tỉnh xa, dân Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cũng về dự hội. Xem thế, chùa là trung tâm đời sống văn hóa người Việt. Dù đi đâu xa, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về, cũng như tới ngày hội thì không thể vắng mặt. Hội chùa là một lễ tục truyền thống ai ai cũng muốn tham gia.
            Mỗi năm chùa có những ngày lễ lớn như trong lịch sử Phật giáo và lễ Tết theo phong tục Việt Nam. Các ngày lễ lớn được gọi là ngày hội. Lớn nhất là ngày lễ Phật Đản (Đối chiếu lịch Ấn Độ là ngày 8 tháng Tư Âm lịch). Khoảng đầu thập niên 1950, toàn thế giới chọn một ngày chung là ngày trăng tròn.
            Ở miền Bắc có rất nhiều chùa, chùa lớn và cổ xưa, nhiều chùa là danh lam thắng cảnh. Riêng thành phố Hà Nội có tới 70 chùa. Người chân chính tu theo đạo Phật coi đời là sắc không nên tài sản của chùa, ngoài ngôi chùa là nơi thờ phượng, để Phật tử đến chiêm bái, một vườn trồng hoa và cây trái được chăm sóc kỹ, một ao chùa để trồng sen cúng Phật, chùa không có tài sản nào nữa cả: Không có ruộng để cho tá canh hay tài sản để cho thuê mướn.
Chi phí sinh hoạt của chùa là do thập phương cúng dường, còn đời sống tu hành rất đạm bạc, cơm tương chao và áo nâu sồng. Họ là những tấm gương đạo đức cho dân làng noi theo.
            Từ giữa thế kỷ trước (TK 19), khi xâm lăng nước ta, người Pháp đã phá hủy không ít chùa làng. Theo Vương Hồng Sển trong cuốn “Saigon Năm Xưa”, thì chùa làng Kỳ Hòa nằm ngay chỗ nhà thờ Đức Bà ngày nay. Chùa Linh Hựu ngày xưa nay là nhà thờ Tây Linh ở Huế. Đó chỉ là những ví dụ điển hình. Ngoài ra, biết bao nhiêu chùa khác ở những làng quê xa xôi bị phá phách triệt hạ, không ai nhớ hết và cũng chẳng ai thống kê việc đàn áp tôn giáo nầy.

                                            
                                   
     Thực dân Pháp phá chùa làng Kỳ Hòa để xây nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
       (hình ngôi nhà thờ Đức Bà do thực dân Pháp xây cách đây hơn 110
                            Nguồn :  hanhfuclangthang.multiply.com)

            Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, có rất nhiều chùa bị tàn phá hoàn toàn. Đó là hậu quả của cuộc xâm lăng và chính sách cai trị của thực dân Pháp.
            Bên cạnh đó, đạo Phật gắn chặt với đời sống dân tộc nên chịu chung một số phận. Khi dân tộc bị đàn áp bóc lột, nô lệ thì đạo Phật suy vi. Trong ý thức chống Pháp giành độc lập, chùa làng nhiều khi trở thành nơi hội họp của nghĩa quân, nơi che giấu những người làm cách mạng - vì đạo Phật cũng là một tôn giáo cách mạng - Những người chống Pháp giành độc lập dùng chùa làm nơi hội họp vì đạo Phật là đạo của dân tộc, chùa là của dân, phục vụ cho dân; người tu hành ở chùa sẽ không đi báo cáo cho Pháp việc làm cách mạng, có khi người tu hành cũng tham gia cách mạng.
            Khuynh hướng độc lập, tự do, dân chủ là khuynh hướng chung cho đạo Phật và Dân tộc. Chỉ khi nào Dân tộc được độc lập thì đạo Phật mới mong hưng thịnh lên được. Ngày nay, vấn đề không phải là góp công góp của dựng nên những ngôi chùa nguy nga lộng lẫy làm nơi vãng lai cho khách du lịch; vấn đề là khôi phục lại từ căn bản. Căn bản xã hội, chính trị nước ta là làng. Muốn có một nước Việt Nam thanh bình và thịnh vượng, trước nhất phải ổn định và phát triển làng xã. Làng cũng là đơn vị căn bản của đạo Phật. Chùa làng và khuôn hội là hạ tầng cơ sở của đạo Phật. Muốn phục hưng và phát triển đạo Phật, không có cách nào khác ngoài việc dựng lại chùa làng và củng cố sinh hoạt của chùa, của khuôn hội mỗi làng.

-------------------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
-“Việt Nam Văn Hóa Sử Cương”, Đào Duy Anh
-“Việt Nam Văn Học Sử Yếu”, Dương Quảng Hàm
-“Huế, Di Sản Văn Hóa Thế Giới”, nhà X.B. Thông-Tin, Văn Hóa
Theo: Hoằng pháp 15


Tuesday, December 27, 2011

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
                                                              Phật lịch 2553  Số : 07/VHĐ/VT

THÔNG TƯ
Kính gửi  chư Tôn đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử
       về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm GHPGVNTN
       lưu hành trên Mạng và các cơ quan truyền thông

Trong thời gian qua lưu hành trên một số mạng Internet, cơ quan truyền thông, báo chí, những bài viết vu khống, mạ lỵ, chụp mũ hàng Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bằng những lời lẽ thiếu văn hoá. Đặc biệt với những bậc Cao tăng thạc đức đã viên tịch và từng giữ chức vụ lãnh đạo Giáo hội, mà đứng trên lập trường dân tộc và Phật giáo các Ngài chưa hề có hành xử, lời nói, văn viết làm hại đến văn hiến nước nhà hay quyền lợi dân tộc.

Trường hợp mà Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo muốn nói rõ là những vu cáo đối với đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu.

Vì vậy, qua Thông tư hôm nay Viện Hoá Đạo minh định công đức hai Ngài đối với Phật giáo và dân tộc, đồng thời xác định sự sai trái của những bài viết vu cáo hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc vì cố tâm gièm pha Phật giáo cho những mưu đồ phi dân tộc.

Đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, truyền thừa sự lãnh đạo Phật giáo có từ thời Đinh cách nay mười thế kỷ. Ngài là vị Tăng thống thứ nhất thời cận và hiện đại nối tiếp giai phẩm khởi sự từ thời đại Việt Nam minh định chủ quyền dân tộc sau mười thế kỷ bị Bắc phương uy hiếp. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”.

Tuy Giáo hội sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xem xét thực hư để minh định trắng đen, nhưng khi có những cá nhân, đoàn thể, đảng phái vu cáo đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, và hàng giáo phẩm GHPGVNTN là “Việt Cộng” thì những người này phải trưng rõ bằng cớ, tư liệu. Phương chi ngôn ngữ của chế độ tại Việt Nam ngày nay xem thường mọi tước hiệu tôn giáo, thứ bậc, tuổi tác, đạo đức, khiếm nhã gọi những bậc cao tăng Phật giáo bằng thế danh, bằng anh, tên, thằng, y, hắn… không tương xứng với văn hoá ứng xử và lễ nghi nước ta kinh qua nhiều đời. Thế mà nay, những cá nhân, đoàn thể thoát ly được nếp sống độc tài, thiếu lễ độ tại Việt Nam ra sống nước ngoài lại duy trì cung cách bất lịch sự khi đề cập đến tên tuổi hàng giáo phẩm Phật giáo.

Đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, dù bao gian truân, bức bách, Ngài vẫn đứng thẳng như núi trước chế độ khủng bố, dìu dắt GHPGVNTN thắng lướt mọi ma chướng, nghịch cảnh sau năm 1975 ; chỉ đạo việc hình thành GHPGVNTN Hải ngoại. Đồng thời Ngài phú chúc cho Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang nối tiếp sự nghiệp phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN trước khi Ngài xả báo thân năm 1992. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo vô bằng cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”.
Giáo hội chúng tôi đòi hỏi những cá nhân, đoàn thể, đảng phái vu cáo đức Đệ tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, và hàng giáo phẩm GHPGVNTN, nếu họ tự tin họ đúng, thì phải trưng đủ bằng cớ, tư liệu cho sự vu cáo nói trên.

Hội đồng Lưỡng Viện còn lưu giữ băng ghi âm Đức cố Đệ tam Tăng thống kể lại thời kỳ Ngài bị Cộng sản đến chùa Linh Mụ, Huế, bắt đưa lên núi hồi Tết Mậu Thân, ép buộc đưa ra Hà Nội, cho đến giai đoạn sau 1975 Ngài lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp Phật giáo, phản đối cố Hoà thượng Thích Trí Thủ nhân danh Giáo hội Phật giáo Nhà nước cưỡng chiếm trụ sở GHPGVNTN tại chùa Ấn Quang, và yêu cầu làm sáng tỏ cái chết trong tù của cố Hoà thượng Thích Thiện Minh tháng 10 năm 1978.

Trong năm 1978, sau mười lần cán bộ các cấp đến ép buộc Hoà thượng ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng Hoà thượng vẫn một mực khước từ. Hai vị trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được gửi từ Hà Nội vào Huế năn nỉ và xin Ngài đáp ứng. Nhưng ngài vẫn từ chối, lại còn nói thẳng cho hai vị này biết cuộc đàn áp Phật giáo, phá chùa, phá tượng của nhà cầm quyền Cộng sản tại miền Nam, cũng như nói rõ tâm tư quần chúng đối với nhà nước Cộng sản :

“Tình đoàn kết đó, thương yêu đó, kính trọng đó [đối với người kháng chiến, cách mạng] chỉ được 10 ngày ! Sau 10 ngày đó : tình đoàn kết xưa nay bây giờ rã hết ! Lòng thương yêu đổi thành ghét cay ghét đắng ! Sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để ! (…) Phật giáo chúng tôi sống qua bao nhiêu chế độ, bị đàn áp một cách tàn bạo. Người Phật tử luôn luôn trông mong một chế độ nào cởi mở hơn, biết điều hơn, để đem lại cho họ một phần cuộc sống đã bị mất. Nhưng từ khi giải phóng đến nay, Phật giáo chúng tôi chẳng những không được trả lại một phần cuộc sống bị mất, mà lại còn bị mất thêm 30 lần nữa”.

Chúng tôi chưa từng nghe các nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị nào khác dám nói thẳng nhận định phê phán của mình như thế trước mặt nhà cầm quyền Cộng sản sau năm 1975.

Sau năm 1975, những ai từng được nghe Ngài nói chuyện từ Huế đến Đà Nẵng, hẳn còn nhớ lời đáp uy dũng của Ngài khi có người hỏi : “Hiện nay có nhiều gia đình đã dẹp tượng Phật trên bàn thờ để thờ Bác Hồ, việc ấy có đúng và nên làm không ?” Ngài trả lời : “Việc ấy sai, Phật tử thì phải thờ Phật chứ không thờ ai khác !” Một lời đáp đương nhiên. Nhưng ở thời “đại thắng” không phải ai cũng dám nói công khai trước quần chúng.

Một sự kiện khác chứng tỏ hành trạng bậc cao tăng Phật giáo của Đức cố Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu thời Ngài bị quản thúc giữa thủ đô Cộng sản ở Hà Nội. Ngài đã khước từ đứng gác quan tài ông Hồ Chí Minh năm 1969, là đặc ân dành cho lãnh đạo cao cấp Đảng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đều thi hành đứng gác quan tài ông Hồ Chí Minh, rồi sau này quan tài ông Tôn Đức Thắng năm 1980. Nhưng Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu quyết liệt từ chối. Bộ Chính trị thắc mắc, thì Hoà thượng nói : “Theo truyền thống đạo Phật, người Tăng sĩ khi xuất gia không còn bái lạy ai khác ngoài đức Phật, cho dù đó là Vua (bất bái quân vương). Tôi là tu sĩ Phật giáo nên không thể làm việc ấy”. Bộ Chính trị lại dồn ép : “Bác tuy Tăng sĩ, nhưng còn là một công dân tham gia cách mạng, đây là nhiệm vụ và bổn phận công dân chứ không là Tăng sĩ”. Hoà thượng liền đáp : “Quý vị nói rất đúng, tuy nhiên, xin quý vị thoả mãn một lời yêu cầu của tôi. Tôi tu học và xuất gia tại Huế, nay xin đảng và chính phủ cho tôi được về Huế xin phép chư Tăng cho tôi xả giới thôi làm Tỳ kheo Đôn Hậu, để có thể trở thành công dân Đôn Hậu. Như thế việc gác quan tài Bác mới danh chính ngôn thuận”. Bộ Chính trị bực mình nhưng không bắt bẽ được, đành than : “Thời buổi Mỹ Nguỵ còn chiếm đóng miền Nam làm sao chính phủ đưa bác về Huế được !”

Với ba ví dụ trên đây người có lương tâm không thể nghĩ gì khác hơn về đức hạnh của bậc tu hành. Nếu phải tố cáo hay quy trách nhiệm, thì phải quy trách nhiệm cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã không làm tròn nghĩa vụ trong việc bảo vệ dân trong Tết Mậu Thân khiến cho khắp nơi dân chúng bị đối phương tàn sát, đặc biệt ở Huế, khiến cho một bậc cao tăng Phật giáo như cố Đạo lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu phải bị bắt đi trong đêm tối vào lúc Ngài đang bị xuất huyết dạ dày trầm trọng.

Gần đây tác nhân chính yếu trong chính tình Việt Nam là Hoa Kỳ vừa giải mật một số hồ sơ phơi bày diễn tiến chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hoà thông qua sự thi hành của giới chính trị gia bản địa. Qua đó chưa thấy tài liệu nào cho biết GHPGVNTN hay hàng giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN dính líu đến Cộng sản. Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v.v… : những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn... Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này (1).

Năm 1963, chư Tăng Ni, Phật tử đứng lên đòi hỏi tự do tín ngưỡng, huỷ bỏ Dụ số 10 tồn tại từ thời thực dân Pháp xem Phật giáo như một hội đoàn, với nhiều kỳ thị, ức chế dưới thời đệ nhất Cộng hoà. Đây là cuộc đấu tranh chính đáng, với quyền tự do của người công dân sống dưới thể chế dân chủ. Không thể gọi phương thức tranh đấu như thế là bất hợp pháp, hay vu cáo “âm mưu lật đổ chính quyền”, “làm lợi cho Cộng sản” theo kiểu vu vạ phi pháp ngày nay dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Nếu người Phật giáo vi phạm luật pháp, “làm lợi cho Cộng sản”, thì Nhà nước pháp quyền thời ấy phải truy tố họ ra trước toà án, xét xử phân minh. Không thể tố cáo suông, vu hãm hồ đồ theo lệnh “toà án rỉ tai và chụp mũ”.

Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ năm 1966 là sự đòi hỏi dân chủ chân chính và bức thiết của mọi công dân mong ước sự ra đời của một Chính phủ dân sự, một Quốc hội Lập Hiến để an bình xã hội, trước những cuộc đảo chính liên miên giữa thiểu số tướng lãnh tranh giành quyền bính, bỏ mặc dân lành khốn đốn trong chiến tranh.

Không thể nào vu cáo hàng giáo phẩm GHPGVNTN “rước Cộng sản vào Tết Mậu Thân Huế” hay “dâng miền Nam cho Cộng sản”, khi ai cũng biết rằng hàng tỉ đô la Hoa Kỳ đổ ra nuôi một bộ máy quốc gia chống Cộng, nuôi hàng triệu binh sĩ, cảnh sát, mật vụ chống Cộng, với sự tiếp tay của nửa triệu binh sĩ Hoa Kỳ. Những tác nhân chính này đã làm gì để bảo vệ Miền Nam ? Trong khi ấy chư Tăng, Ni, Phật tử tay không khí giới, túi không tiền bạc thì làm sao có thể “dâng miền Nam cho Cộng sản” ? Từ đêm 20.8 chính quyền tấn công chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni cho đến ngày 2.11.1963 chư Tăng Ni, Phật tử, hàng giáo phẩm lãnh đạo Uỷ ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo (tiền thân của GHPGVNTN) còn nằm trong tù, thì làm sao họ có thể là “chủ lực” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa tới vụ thảm sát ông và bào đệ ông ?

Cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông Kissinger và ông Chu Ân Lai ngày 20.6.1972 được giải mật cho thấy Hoa Kỳ đã bàn giao Miền Nam cho Trung Cộng, nhờ vậy Trung quốc mới chỉ thị cho ông Lê Đức Thọ khai thông Hoà hội Paris đang bế tắc. Cùng với những tài liệu giải mật gần đây cho thấy Hoa Kỳ là tác nhân chính bỏ rơi miền Nam. Rồi tiếp tay cho sự sụp đổ miền Nam là giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà chứ chẳng ai khác (2).

Qua bản Thông tư hôm nay Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt ở hải ngoại có nhiều phương tiện thông tin, tìm kiếm tài liệu, hãy thu tập chứng liệu và tìm phương cách giải hoặc những bài viết hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc cố tâm vu cáo GHPGVNTN theo các chủ trương tiêu diệt những sinh lực dân tộc, mà Phật giáo là một, cho những viễn đồ phi dân tộc và phản tổ quốc.

Thông tư hôm nay là lần đầu tiên Giáo hội Trung ương lên tiếng, mà cũng là lần cuối cùng cất lên trước hiện trạng mạ lỵ kéo dài hàng chục năm bằng thứ ngôn ngữ khiếm nhã và lý luận hồ đồ. Không phải để đôi co mà là để phản bác những vu hãm đầy hậu ý đối với Giáo hội bấy lâu nay.

Làm tại Thanh Minh Thiền Viện, Saigon ngày 17.1.2010
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
     kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN
       (ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

Monday, December 26, 2011

Cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam với Cách Mệnh
                                                              B.S. Nguyễn Xuân Chữ

                 
                     
              Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối      Trái tim bất diệt của Bồ Tát
                    Tổng Thống Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật Giáo                 Thích Quảng Đức

Người ta thường cho phong trào chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm là một phong trào Phật Giáo. Gần đây, phong trào chống lại chính quyền Trần Văn Hương cũng lại được coi là một phong trào tôn giáo. Chính chương trình của Thủ tướng họ Trần đã nêu ra khẩu hiệu: "Tách chính trị ra khỏi tôn giáo" cũng như khẩu hiệu: "Tách chính trị ra khỏi học đường" Những khẩu hiệu ấy đã được tuyên bố ra và các phong trào chống chính quyền đã được khoác áo tôn giáo, có là vì sự nhận xét không được sâu xa và tế nhị để cho người ta hiểu được rõ ý nghĩa cao cả của những cuộc vận động ấy.

       
                      
         Một cuộc biểu tình tại Sài Gòn năm 1963 yêu cầu
 Tổng Thống Ngô Đình Diệm thực thi Quyền bình đẳng tôn giáo

Lịch sử đã chứng minh khi nào một dân tộc bị áp bức đến cùng cực, dân tộc ấy sẽ chỗi dậy để lấy lại chủ quyền của mình. Công cuộc ấy là một công cuộc cách mệnh. Cách mệnh không phải ngày nay hoặc gần đây mới có. Nhưng, ngày nay, nói đến cách mệnh người ta liên tưởng ngay đến những công cuộc cách mệnh của nước Pháp (1789), của Trung Hoa Dân Quốc (1911), của nước Nga (1917) vân vân... Đi xa hơn về dĩ vãng người ta cũng chỉ nói đến cách mệnh với nghĩa lật đổ một chế độ quân chủ để thành lập một chế độ khác (Cộng hòa, Xã hội...). Người ta ít đi xa hơn về lịch sử mà nói đến những công cuộc cách mệnh lật đổ vị vua chúa để lại thay thế bằng một vị vua chúa khác. Như Thành Thang diệt Kiệt. Vũ Vương diệt Trụ trong lịch sử Trung Quốc và như Lý Công uẩn diệt Lê Ngọa Triều trong lịch sử nước nhà. Ở những cuộc cách mệnh này, hai tiếng cách mệnh mới đúng với nghĩa cỗi rễ. Cách là làm chính lại. Mệnh là mệnh giời. Theo quan niệm xưa, một ông vua được trị vì một nước là do mệnh giời phú cho. Đông phương nói: "Đại đức già tất thụ mệnh". Tây phương nói: "Monarchie droit divin". Nhưng một ông vua hôn loạn, tàn bạo, tham nhũng là một người làm hỏng mệnh giời thì giời lại thu mệnh lại để trao cho một người khác. Người phát ấy là tự mình, không phải một mình làm được công cuộc cách mệnh để diệt vua ác mà lên thay thế. Người ấy phải dựa vào dân. Có thể nói người ấy tập trung tất cả phẩn uất của dân và cũng tập trung tất cả nguyện vọng của dân. Người xưa nói: Giới là tự dân trong "Thiên thị tự ngã dân thị" (Mạnh Tử). Hoặc: dân không tin, không đứng được "Dân vô tín, bất lập" (Khổng Tử) Hữu nhược còn nói với vua Ai công: dân không no đủ, vua no đủ với ai. "Bách tính bất túc, quân thục dữ túc, bách tính túc, quân thục dữ bất túc". Vậy thì những công cuộc cách mệnh đã có từ ngàn xưa và đã diễn ra dưới những triều đại những vưa đã không theo đúng nguyện vọng của dân, đã ngược lại quyền lợi của dân, nghĩa là đã trái mệnh giời nên dân phải nổi lên để làm cho mệnh ấy chính lại.

Họ Ngô, trong 9 năm dòng dã cầm quyền chính đã dần dần ngày một ngược lại quyền lợi của dân cho đến ngày áp bức đến mức cùng cực, dân không chịu đựng nổi nữa, phải vùng lên chống lại chính quyền mà làm một công cuộc cách mệnh. Sự vùng lên ấy, sự chổi dậy ấy đã bắt nguồn với một hình thức tôn giáo, khiến người ta đã có thể lầm tưởng công cuộc cách mệnh của cả một dân tộc là một phong trào Phật giáo. Thực ra trong phong trào gọi là Phật giáo ấy, có cả dân chúng, thanh niên, sinh viên, học sinh không hẳn theo đạo Phật. Hơn nữa, trong phong trào ấy có cả dân chúng, thanh niên, sinh viên, học sinh của Thiên Chúa Giáo mà Thiên Chúa giáo lại chính là cớ cao siêu, thiên liêng mà chính quyền họ Ngô phụng sự. Sự hưởng ứng của Thiên Chúa Giáo về hình thức, không được hiện ra rõ rệt, nhưng về phương diện tâm tư, nếu kỹ lưỡng nhận xét, người ta phải thấy có nhiều. Như vậy, dù là tín đồ Phật giáo, dù là tín đồ Thiên Chúa Giáo, tín đồ bên này, bên kia đều là những công dân của đất nước và cũng đều phẫn uất dưới ngược chính của kẻ tàn bạo, đều tủi nhục dưới sự lãnh đạo của hạng vô tài, đều lo lắng cho vận mệnh chung, cho sự tồn vong của Tổ Quốc.


       TT. Thích Tâm Châu và LM. Lê Quang Oánh vui mừng sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 thành công
                      
   [1] Situation appraisal of Buddhism as a political force  uring current election period       extending through September 1967 Declassified CIA Documents on the Vietnam War
              http://library2.usask.ca/vietnam/index.php?state=view&id=906
Một khi mà hầu hết dân chúng đã nhận ra rằng quyền lợi của mình bị mất hết và ý thức rằng chính mình phải đứng lên chống đối mới có thể đòi lại quyền lợi của mình, một khi "dân chí" đã thức tỉnh, chí ấy sẽ phát hiện ra bằng mọi hình thức: tự thiêu tự hủy, tuyệt thực, bãi khóa, biểu tình văn vân... Những hình thức ấy bộc lộ ra cũng như khí nước sôi bốc lên. Hơi nước càng bị đè nén, sức càng mạnh (nồi của Deia Papin) "Dân khí" càng bị đàn áp, thế càng tăng.
Nhà cầm quyền không hiểu cái thế lớn lao của dân khí ấy sẽ bị tràn ngập và, sau cùng, bị đắm đuối. Lịch sử Đông, Tây đã nhắc lại bao nhiêu gương đen tối: Chính quyền họ Ngô, mới đây đã chìm đắm.
Tiếc rằng sau khi họ Ngô bị diệt, công cuộc cách mệnh của dân tộc đã không được hướng theo một con đường ngay thẳng, Những lợi quyền riêng tư vẫn còn mờ ám phô ra với những màn bi hài kịch nông nổi và với những vai trò trò của tàn lực của chính quyền họ Ngô. Âu cũng là những giai đoạn thanh lọc để, một ngày đây, công cuộc cách mệnh của dân tộc sẽ được hiện ra với tất cả ánh sáng của nó.
Vậy thì phong trào mà người ta gọi là phong trào Phật giáo dưới chế độ họ Ngô và, gần đây, dưới chính quyền họ Trần, không phải là một phong trào thuần túy tôn giáo mà chính là một phong trào cách mệnh của dân tộc Việt Nam.
Chính người Việt Nam còn ngộ nhận điều đó, huống là người ngoài. Một ký giả Tây phương đã nói với kẻ viết: bên Âu Châu, người ta không tin như thế "En Europe on ne croit pas cela".
Cũng là bởi, như trên đã nói, cuông cuộc cách mệnh của dân tộc Việt Nam đã bắt nguồn dưới một hình thức tôn giáo. Lại chính các vị tu hành Phật giáo đã hướng dẫn công cuộc đó; Hòa thượng Quảng Đức, sáu vị Tăng Ni đã tự thiêu và biết bao Thượng tọa, đại đức, Tăng ni đã xả thân hoạt động trong phong trào để kích thích và hướng dẫn Phật tử. Hơn nữa, những hình thức tranh đấu lại rõ rệt một tính cách tôn giáo: bất bạo động.
Nhớ lại, trong công cuộc tranh đấu của dân tộc Ấn Độ, thánh Gandhi cũng đã lấy hình thức ấy làm chủ động. Nhưng ở đây, Gandhi không phải là một nhà tu hành (cũng không nên nói Gandhi là một nhà chính trị vì Gandhi lấy làm bất mãn khi người ta nói mình là một chính trị gia) mà chỉ là một nhà đạo đức, đứng ra hướng dẫn phong trào cách mệnh của dân tộc, ở nước nhà, trong những cuộc vận động gần đây, đã hầu như vắng mặt các nhà đạo đức, cách mệnh hay chính trị mà, dìu dắt dân chúng trong công cuộc tranh đấu, lại chính là những vị tu hành.
Các vị tu hành, trong thâm tâm, há muốn dấn thân vào những công cuộc giai lao kia để phải chịu đựng những sự thiệt thòi: tự thiêu, tuyệt thực, bị đánh đập, bị lao tù và để mất hết thì giờ tu dưỡng? Cũng như những thanh niên, sinh viên, học sinh, hà muốn lăn mình vào những cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm để đón lấy những cảnh bị đánh đập, tra tấn, tù tội và để mất hết thì giờ học tập?
Dầu sao, công cuộc tranh đấu của quốc dân, quân nhân cũng như dân chúng, đã đưa lại hai giai đoạn thắng lợi. Tất nhiên, công cuộc cách mệnh sẽ còn tiến triển để đưa quốc dân đến thắng lợi cuối cùng là sự thống nhất lãnh thổ và nền độc lập vinh quang cho đất nước, cho dân tộc.
Khi đó, không phải nêu ra khẩu hiểu "tách chính trị ra khỏi tôn giáo" mà các vị tu hành sẽ tự nhiên, lặng lẽ trở về yên vui với Đạo. Không cần phải nêu ra khẩu hiệu "Tách chính trị ra khỏi học đường" mà thanh niên, sinh viên, học sinh, sẽ tự nhiên, hồn nhiên vui sướng trở về với bạn bè, với đèn sách.
Trên kia nói trong những cuộc vận động gần đây, hầu như vắng mặt các nhà đạo đức, cách mệnh hay chính trị. Không phải nói ngoài những vị tu hành, nước nhà, hiện nay, không có những người tài đức xứng đáng, dù tư cách lãnh đạo công cuộc cách mệnh của dân tộc. Nhưng, sau những mưu mô tiêu diệt cách mệnh quốc của chính bao nhiêu chính quyền nối tiếp mệnh danh là quốc gia (mà thực ra, chì là những chính quyền tay sai của ngoại thế, của đế quốc), sau bao nhiêu năm bị kìm hãm áp bức, những nhà tài đức, ngay khi ấy, đã không có được hoàn cảnh thuận tiện để đứng ra hướng dẫn quốc dân. (Xin nói ngay, đây là một nhận xét khách quan, không phải một ý bênh vực cá nhân hày hoặc cá nhân khác).
Vả, cũng không nên phân biệt những nhà đạo đức, cách mệnh hay chính trị trong khuôn khổ tôn giáo hay ngoài khuôn khổ tu hành. Ngay trong lịch sử nước nhà, về những triều đại Lý, Trần, đã có những bậc tu hành treo những gương sáng trong công cuộc tham gia thế sự. Thì, một Gandhi, một Quảng Đức, ai là kẻ tu hành, ao là người đạo đức?
Đạo Phật, vốn chủ trương "tự giác, giác tha", vốn lấy "lợi tha" "vì lợi ích nhất thiết chúng sanh", làm mục phiêu tu dưỡng, đạo Phật đâu có cấm những nhà tu hành làm những việc ích quốc lợi dân? Miễn là làm những việc ích quốc lợi dân rồi, tâm không trụ vào những chỗ đã làm lợi ích ấy. Cho nên nên làm lợi ích xong rồi, tâm của Bồ tát lại là tâm đạo "Bồ Tát ưng vô sở trụ như sinh kỳ tâm".
                                                
                                     
              
  Bìa bản nhạc “Em Là Vì Sao Sáng”, Tượng và chân dung Học Sinh Phật Tử Quách Thị Trang bị chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm hạ sát tại bùng binh Sài Gòn chỉ vì thĩnh cầu xin cho Phật giáo được bình đẳng như Thiên Chúa Giáo tôn giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm
    [ Vạn Hạnh số 1 (1965), tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và Dân tộc]