Wednesday, December 28, 2011

                Chùa làng
                            
                                                                  Tuệ Chương
                                           
                     
                                                         Chùa Dâu
Ở đâu có người Việt sinh sống là ở đó có chùa. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc bộ hay trong tiến trình thành lập làng xã trong cuộc Nam tiến, người Việt Nam định cư tới đâu, lập làng ở đâu là dựng chùa ở đó, giống như người Mỹ trong cuộc Tây tiến của họ đến đâu họ lập làng (town) là họ dựng nhà thờ.
Đạo Phật truyền bá vào nước ta từ rất lâu, ngay từ Bắc thuộc lần thứ nhứt, thứ hai, theo con đường từ Ấn Độ qua Trung Hoa xuống Việt Nam hay đi thẳng từ Ấn Độ qua Việt Nam. Các danh Tăng còn ghi lại trong sử sách là Khang Cư, Nguyệt Thị, Ti-Ni-Đa-Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Chi phái nầy được gọi là Bắc tông. Phật giáo không chỉ phát triển trong hàng vua quan mà còn thấm sâu vào hàng dân dã, trở thành tín ngưỡng lớn nhất, mạnh nhất và thấm sâu nhất vào lòng dân tộc. Phật giáo là tư duy, là cách sống, là phong tục, lề thói, là tôn ti trật tự gia đình, xã hội, góp phần lớn lao vào sự phát triển xã hội, quốc gia. Để bảo tồn và phát huy đời sống xã hội cũng như tôn giáo, mỗi làng thường có chùa. Có thể nói ở đâu có người Việt sinh sống là ở đó có chùa. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc bộ hay trong tiến trình thành lập làng xã trong cuộc Nam tiến, người Việt Nam định cư tới đâu, lập làng ở đâu là dựng chùa ở đó, giống như người Mỹ trong cuộc Tây tiến của họ đến đâu họ lập làng (town) là họ dựng nhà thờ
            Đơn vị hành chánh và xã hội nước ta là làng. Sau khi lập làng, dân làng tôn người khai phá đầu tiên làm Thành hoàng của làng. Họ dựng đình để thờ Thành hoàng, làm nơi hội họp, cúng tế trong các dịp lễ tết; họ cũng dựng chùa làng để bảo tồn và phát huy đời sống tôn giáo, gia đình và xã hội. Do đó, đình và chùa làng là hai biểu tượng của mỗi làng đã có từ ngàn xưa khi người Việt Nam bắt đầu dựng nước, dựng làng. Bên cạnh đình là nơi cúng kỵ những người có công dựng làng thì bên chùa là nơi thờ Phật để dân làng lễ bái, tu thân, trau giồi đức hạnh, ăn hiền ở lành, để phước để đức lại cho con cháu. Đó là đời sống tinh thần thiết thân của người Việt Nam mà nếu không có nó thì mất đi ý nghĩa của một làng, của một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời.

                                      
     
                            Lễ rước sắc phong Thành Hoàng tại Đình Làng

            Đình thường dựng ngay giữa làng, bên cạnh một con sông, một cánh đồng. Ngay từ khi dựng đình hay dựng chùa, người ta trồng một cây đa trong sân để lấy bóng mát, cây đa trở thành biểu tượng linh thiêng cho đình và cho chùa. Chùa cũng được chọn xây dựng ở một địa điểm như đình nếu như làng tọa vị tại một vùng trũng, không có đồi núi. Tuy nhiên, ở vùng trung du Bắc bộ, không có núi cao nhưng lại có nhiều đồi thì chùa được dựng trên một ngọn đồi, bên một sườn đồi. Trên con đường về làng, người ta có thể thấy ngôi chùa làng hiện ra xa xa mờ ảo trong làn sương khói, ngôi chùa làng cheo leo bên ngọn đồi. Lòng kẻ tha hương rộn ràng náo nức từ đó.
            Người Việt Nam tin vào phong thủy (địa lý) nên việc chọn địa điểm xây chùa bao giờ cũng cẩn trọng, vì họ tin rằng sự yên ổn của ngôi chùa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong làng. Theo sư Không Lộ đời Lý, thì nơi dựng chùa phải “Tuyển đắc long xà địa khả cư”, nói một cách nôm na là “Tay long tay hổ”, có “long mạch”. Sách “An Tượng Tam Muội Tập” bản in đời nhà Nguyễn có một đoạn nói về việc dựng chùa như sau:
“Xây dựng chùa phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không hoặc có sông ngòi, hồ ao ôm bọc. Núi hổ (tay hổ) ở bên phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướng, lọng báu hoặc có hình rồng phượng, qui, xà chầu bái. Đó là đất “dương cơ ái hổ” (nền dương tay hổ). Cũng lại nên cưỡi đảo lại (đảo kỵ) như người cưỡi ngựa thì đầu phải ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có minh đường đều được phía sau không nên có núi áp kề, thế là đất tốt.”
            Chùa Việt Nam là một kiểu chùa đặc biệt, không giống chùa Trung Hoa hay Ấn Độ. Chùa làng thông thường làm theo kiểu chữ đinh (gần giống chữ T quốc ngữ) hay chữ công (chữ H quốc ngữ, nằm ngang) hay chữ tam (ba gạch ngang) tùy theo công đức đóng góp hoặc dân làng giàu nghèo. Gian trước thường là nơi thờ hộ pháp, gian trong là chánh điện thờ các vị Phật, Bồ-tát (Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng). Trước chùa có cổng Tam quan là ngôi nhà nhỏ nằm ngang, nối liền bốn cây cột, chia thành ba cửa: Cửa giữa và hai cửa hai bên. Có khi không có nhà mà chỉ là bốn cây cột dựng thẳng lên và gắn các cánh cổng.

       
                              
                                 Lễ rước Phật tại một ngôi chùa Làng

            Cửa chùa thường khi rộng mở, nhưng cũng có lúc đóng lại và khóa kín. Người vào chùa phải giựt dây chuông để gọi chú tiểu ra mở cổng. Nói chung, nơi dựng chùa phải có cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ, có đồi núi hồ ao sông ngòi, v.v... không quá gần dân làng để tránh sự ồn ào náo nhiệt, không quá xa dân làng vì việc tu học cần có sự giúp đỡ của dân, không khó khăn cho thiện nam tín nữ đi lại lễ bái và vãn cảnh chùa.
            Các vị Trưởng lão ở chùa không những là người thâm sâu giáo lý nhà Phật, lâu lâu các vị thức giả đến thăm chùa, đàm đạo cùng vị Trưởng lão mà còn là “bạn trà” trong nghệ thuật uống trà tuyệt vời của người châu Á có chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Trong truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm” trong tập “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, ông kể lại câu chuyện một ông già trong làng được một người ăn mày cho xem một bộ ấm trà đã mấy đời do tổ tiên để lại, trở nên nghèo vì ghiền trà. Đó là loại ấm trà tốt hơn cả các loại:
            Thứ nhứt Thế Đức gan gà, Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.
            Ông già và người ăn mày tương đắc về việc uống trà. Muốn pha một ấm trà mới, người con trai của gia chủ đi theo lão bộc lên tận ngôi chùa làng trên đồi cao để xin một đôi nước về pha trà. Người dân thường khi đi xa nhớ làng của mình, nhớ nhà mình, nhớ con đường ngõ xóm, nhớ đình, nhớ chùa làng, v.v... Đó là những hình ảnh, những cảnh vật rất thân quen, gần gũi. Chùa làng là của chung nhưng ai cũng có cái riêng trong đó, tâm tư tình cảm riêng và cả những kỷ niệm riêng, kể từ khi thơ ấu, lần đầu tiên đi chùa. Trong ý nghĩa riêng tư đó, một nhà thơ đã dùng một chữ rất hay trong đoạn thơ:
Cây đa cũ chắc đã già hơn truớc
Biết có còn đổ lá xuống sân tôi?
            Sao lại “sân tôi” mà không là “sân xưa” hay “sân hoang” (vắng) chẳng hạn. Tôi không nghĩ thi sĩ đẻo gọt từng chữ để đưa vào đây mà chỉ là cái hay xuất thần của người làm thơ. Từ rất lâu, trong tiềm thức, tác giả nghĩ chùa là của ông, một phần trong cuộc sống của ông, nơi ông sống với nhiều kỷ niệm yêu mến; nay xa chùa, những buồn vui từ trong tiềm thức trổi dậy cùng với lòng thương nhớ khôn nguôi, như một sức mạnh vô hình khiến ông đặt bút viết xuống một chữ rất hay, rất tự nhiên mà thấm thía vô cùng. Chùa là của tôi, cây đa là của tôi và sân chùa, nơi những chiếc lá đa rụng xuống cũng là “sân tôi”.
            Trong một hồi ký của Nhất Linh, ông nhắc lại một kỷ niệm khi ông 11 tuổi, được bố đưa đi thăm chùa Trấn Quốc, ông làm bài thơ tả cảnh chùa như sau:
                        Chung quanh cây cối rườm rà,
Giữa hồ có một chùa ta đây này
            Sao lại “chùa ta”. Tôi không nghĩ “mầm non văn nghệ” Nhất Linh dùng chữ (chùa) ta cho luôn vần với chữ (rườm) rà ở trên, mà chính ông muốn nói chùa của ta, cũng như “sân tôi” vậy.
            Trong sinh hoạt của chùa, các sư có những thời kỳ tu tập phù hợp với đời sống nông nghiệp của dân tộc. Khoảng tháng tư, tháng năm là mùa “kiết hạ an cư” (mùa tu học) là lúc mùa màng đã xong. Các chú điệu, sư chú, quý thầy trẻ phải tự làm ruộng, trồng đậu, trồng rau sinh sống. Công việc không quá nặng nhọc vì chùa không có nhiều đất ruộng, chỉ đủ cho người tu hành sống đạm bạc tương chao. Thường khi mùa màng xong thì cũng có những hội chùa. Đó là ngày lễ Phật đản chẳng hạn:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu
                            (Chùa Dâu ở Bắc Ninh).
            Ngày trước hội chùa vào ngày 8 tháng Tư Âm lịch, là ngày Phật đản; hội rất lớn. Không những dân làng và các làng lân cận mà ngay người dân các tỉnh xa, dân Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cũng về dự hội. Xem thế, chùa là trung tâm đời sống văn hóa người Việt. Dù đi đâu xa, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về, cũng như tới ngày hội thì không thể vắng mặt. Hội chùa là một lễ tục truyền thống ai ai cũng muốn tham gia.
            Mỗi năm chùa có những ngày lễ lớn như trong lịch sử Phật giáo và lễ Tết theo phong tục Việt Nam. Các ngày lễ lớn được gọi là ngày hội. Lớn nhất là ngày lễ Phật Đản (Đối chiếu lịch Ấn Độ là ngày 8 tháng Tư Âm lịch). Khoảng đầu thập niên 1950, toàn thế giới chọn một ngày chung là ngày trăng tròn.
            Ở miền Bắc có rất nhiều chùa, chùa lớn và cổ xưa, nhiều chùa là danh lam thắng cảnh. Riêng thành phố Hà Nội có tới 70 chùa. Người chân chính tu theo đạo Phật coi đời là sắc không nên tài sản của chùa, ngoài ngôi chùa là nơi thờ phượng, để Phật tử đến chiêm bái, một vườn trồng hoa và cây trái được chăm sóc kỹ, một ao chùa để trồng sen cúng Phật, chùa không có tài sản nào nữa cả: Không có ruộng để cho tá canh hay tài sản để cho thuê mướn.
Chi phí sinh hoạt của chùa là do thập phương cúng dường, còn đời sống tu hành rất đạm bạc, cơm tương chao và áo nâu sồng. Họ là những tấm gương đạo đức cho dân làng noi theo.
            Từ giữa thế kỷ trước (TK 19), khi xâm lăng nước ta, người Pháp đã phá hủy không ít chùa làng. Theo Vương Hồng Sển trong cuốn “Saigon Năm Xưa”, thì chùa làng Kỳ Hòa nằm ngay chỗ nhà thờ Đức Bà ngày nay. Chùa Linh Hựu ngày xưa nay là nhà thờ Tây Linh ở Huế. Đó chỉ là những ví dụ điển hình. Ngoài ra, biết bao nhiêu chùa khác ở những làng quê xa xôi bị phá phách triệt hạ, không ai nhớ hết và cũng chẳng ai thống kê việc đàn áp tôn giáo nầy.

                                            
                                   
     Thực dân Pháp phá chùa làng Kỳ Hòa để xây nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
       (hình ngôi nhà thờ Đức Bà do thực dân Pháp xây cách đây hơn 110
                            Nguồn :  hanhfuclangthang.multiply.com)

            Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, có rất nhiều chùa bị tàn phá hoàn toàn. Đó là hậu quả của cuộc xâm lăng và chính sách cai trị của thực dân Pháp.
            Bên cạnh đó, đạo Phật gắn chặt với đời sống dân tộc nên chịu chung một số phận. Khi dân tộc bị đàn áp bóc lột, nô lệ thì đạo Phật suy vi. Trong ý thức chống Pháp giành độc lập, chùa làng nhiều khi trở thành nơi hội họp của nghĩa quân, nơi che giấu những người làm cách mạng - vì đạo Phật cũng là một tôn giáo cách mạng - Những người chống Pháp giành độc lập dùng chùa làm nơi hội họp vì đạo Phật là đạo của dân tộc, chùa là của dân, phục vụ cho dân; người tu hành ở chùa sẽ không đi báo cáo cho Pháp việc làm cách mạng, có khi người tu hành cũng tham gia cách mạng.
            Khuynh hướng độc lập, tự do, dân chủ là khuynh hướng chung cho đạo Phật và Dân tộc. Chỉ khi nào Dân tộc được độc lập thì đạo Phật mới mong hưng thịnh lên được. Ngày nay, vấn đề không phải là góp công góp của dựng nên những ngôi chùa nguy nga lộng lẫy làm nơi vãng lai cho khách du lịch; vấn đề là khôi phục lại từ căn bản. Căn bản xã hội, chính trị nước ta là làng. Muốn có một nước Việt Nam thanh bình và thịnh vượng, trước nhất phải ổn định và phát triển làng xã. Làng cũng là đơn vị căn bản của đạo Phật. Chùa làng và khuôn hội là hạ tầng cơ sở của đạo Phật. Muốn phục hưng và phát triển đạo Phật, không có cách nào khác ngoài việc dựng lại chùa làng và củng cố sinh hoạt của chùa, của khuôn hội mỗi làng.

-------------------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
-“Việt Nam Văn Hóa Sử Cương”, Đào Duy Anh
-“Việt Nam Văn Học Sử Yếu”, Dương Quảng Hàm
-“Huế, Di Sản Văn Hóa Thế Giới”, nhà X.B. Thông-Tin, Văn Hóa
Theo: Hoằng pháp 15


No comments:

Post a Comment